Gia Lai hiện có gần 50% trẻ em là con em đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở vùng sâu vùng xa. Thiếu sân chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi là thực trạng còn tồn tại nhiều năm nay tại địa phương. Để giải quyết vấn đề này, thời gian gần đây, các tổ chức đoàn thanh niên trên địa bàn đã tăng cường lắp đặt, xây dựng những địa điểm vui chơi bổ ích, an toàn, góp phần mang lại tiếng cười cho trẻ em tại các vùng khó khăn.
Lốp xe máy, ô tô hay những nguyên liệu đã qua sử dụng. Những đồ vật tưởng chừng không còn giá trị, thế nhưng, qua đôi tay khéo léo, nhiều đoàn viên thanh niên tỉnh Gia Lai đã tạo nên những món đồ chơi độc đáo, những sân chơi ý nghĩa.
Các em nhỏ vui đùa tại sân chơi
Gần 300 là số lượng công trình sân chơi được tạo dựng mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tận dụng những vật liệu tái chế giải quyết khó khăn về kinh phí, mỗi công trình chỉ mất chi phí từ 10 - 15 triệu đồng.
Lần đầu tiên có một khu vui chơi đúng nghĩa, cứ khi nào rảnh, các em thiếu nhi lại cùng nhau đến đây nô đùa. Đồ chơi mới lạ cũng tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với những đứa trẻ vùng nông thôn này.
Được biết, ngoài việc tận dụng những nguyên vật liệu tái chế, đoàn thanh niên còn xây dựng, lắp đặt các hạng mục một cách chắc chắn, đồng thời bổ sung trò chơi mới và thường xuyên đến kiểm tra, tu sửa lại công trình. Với những hiệu ứng tích cực mang lại, hành trình bao phủ sân chơi ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sẽ được các tổ chức đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện trong thời gian tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!