"Giờ vàng" và kỹ thuật hiện đại trong cấp cứu đột quỵ

Bình An-Thứ hai, ngày 20/02/2023 13:18 GMT+7

Một ca đột quỵ được cấp cứu ‘thần tốc’ bằng thuốc tiêu sợi huyết tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

VTV.vn - Đột quỵ cần can thiệp cấp cứu kịp thời trong 3 - 4,5 giờ đầu tại các đơn vị có ứng dụng các kỹ thuật, máy móc hiện đại liên quan thì mới mang đến hiệu quả cao.

Đó là kết luật của các chuyên gia về đột quỵ, cấp cứu đột quỵ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Tầm soát và cấp cứu đột quỵ trong ‘giờ vàng’ - tránh tai hoạ bất ngờ" diễn ra vào 16/2 vừa qua. Chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam (vtv.vn) và Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức, thu hút gần 10 ngàn lượt xem trên các kênh và hàng trăm câu hỏi gửi về.

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, cho biết "giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ là từ 3 đến 4,5 giờ đầu kể từ khi người bệnh có triệu chứng khởi phát đột quỵ. Giới hạn này có thể mở rộng lên 6 giờ tuỳ từng trường hợp và áp dụng phương pháp cấp cứu phù hợp. Sau "giờ vàng" đó, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.

Ngoài ra, bác sĩ Minh Đức khuyến cáo thêm, khi đột quỵ không may xảy ra, người nhà cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở tế có điều kiện, kỹ thuật, máy móc xử lý đột quỵ sẵn sàng, tránh đến nơi chưa đủ điều kiện xử lý vì sẽ gây mất thời gian cứu sống người bệnh.

Theo BS.CKII Lê Hồng Hải, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, một đơn vị cấp cứu đột quỵ có sự khác biệt rất lớn với đơn vị cấp cứu thông thường. Đó là phải có bác sĩ cấp cứu chuyên ngành, xác định, chẩn đoán lâm sàng về cấp cứu đột quỵ cấp. Bệnh viện phải được trang bị đầy đủ các máy móc chuyên dụng như máy MRI, CT, bơm cản quang, phương tiện monitor theo dõi huyết áp, đường huyết, các kỹ thuật xét nghiệm liên quan…

Hiện tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời vẫn còn ít. Để gia tăng tỉ lệ này, theo bác sĩ Hải, người dân cần có kiến thức nhận biết được những dấu hiệu sớm của đột quỵ. Đồng thời, đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất có đủ điều kiện cấp cứu đột quỵ, chuyên khoa thần kinh và máy móc hiện đại…, gia tăng tỷ lệ thành công trong cấp cứu người bệnh.

Giờ vàng và kỹ thuật hiện đại trong cấp cứu đột quỵ - Ảnh 1.

Các kỹ thuật, máy móc hiện đại như chụp CT, MRI giúp tầm soát cũng như đánh giá nhanh chóng tình trạng đột quỵ.

Đột quỵ não có 2 thể là nhồi máu não và xuất huyết não. Có khoảng 85% trường hợp nhồi máu não do tắc nghẽn mạch máu não. Khoảng 15% trường hợp là xuất huyết não não do vỡ mạch máu não. Cả 2 trường hợp này cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Đối với những trường hợp tắc nghẽn mạch máu, nếu được đưa đến bệnh viện cấp cứu sớm trong giờ vàng, phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch sẽ giúp mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.

"Chúng tôi từng cấp cứu các ca đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết chỉ trong 25 phút kể từ khi bệnh nhân nhập viện. Thời gian này vượt tiêu chuẩn ‘kim cương’ về cấp cứu đột quỵ theo đánh giá của tổ chức WSO Angels Awards (Mỹ). Chúng tôi thậm chí sẽ hướng đến cấp cứu người bệnh trong 20, 15, thậm chí 10 phút", bác sĩ Minh Đức cho biết.

Nếu bệnh nhân bị tắc nghẽn ở mạch máu lớn, phương pháp can thiệp nội mạch lấy cục máu đông sẽ được áp dụng. BS.CKI Dương Đình Hoàn - Bác sĩ Can thiệp mạch Thần kinh, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang Can thiệp, cho biết để can thiệp mạch máu não chính xác, máy chụp DSA (chụp mạch máu số hóa xóa nền) đóng vai trò quan trọng. Máy có thể xác định đường đi của mạch máu não, giúp bác sĩ thấy chính xác mạch máu não bị tắc ở đâu. Sau đó, luồn ống thông qua động mạch đùi, tiếp cận lên mạch máu não và đưa dụng cụ lên trực tiếp vị trí tắc. Dụng cụ để lấy cục huyết khối ra là ống thông huyết khối hoặc dùng stent để lấy huyết khối ra.

Sau can thiệp, bệnh nhân sẽ được chụp thêm MRI kiểm tra, đánh giá lại tuần hoàn mạch máu lên não tốt chưa, nếu tốt sẽ ngưng, nếu thấy một điểm tắc ở đâu đó bác sĩ sẽ thông mạch lần thứ 2. Việc mở rộng cửa sổ lấy huyết khối có thể tăng lên trong 24 giờ để lấy cục máu đông qua đường tĩnh mạch, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng khả năng hồi phục chức năng vận động cho người bệnh.

Với trường hợp đột quỵ do xuất huyết não, người bệnh sẽ được xử lý bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch nút tắc mạch máu bị vỡ, và sẽ được phẫu thuật loại bỏ phần máu tụ bầm trong não.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, khi có ca cấp cứu nghi ngờ bị đột quỵ, sẽ lập tức ra y lệnh khẩn, các liên chuyên khoa cấp cứu, nội thần kinh, chẩn đoán hình ảnh… sẵn sàng phối hợp. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến đi chụp CT (cắt lớp vi tính) hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ). Sau khi có kết quả chẩn đoán hình ảnh sẽ có hội chẩn liên khoa để đưa ra quyết định phương pháp điều trị phù hợp.

Sau khi được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại phòng Hồi sức. Nếu như tình trạng phù não của bệnh nhân tiếp tục tăng lên thì bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ vào cuộc, tiếp tục tiến hành phẫu thuật mở sọ giảm áp.

Đột quỵ là một căn bệnh thần kinh nguy hiểm. Do đó, phòng bệnh hơn chữa bệnh. BS.CKII Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Đơn vị Hình ảnh học Thần kinh, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, cho biết, hiện nay Bệnh viện trang bị đầy đủ các máy móc hiện đại hàng đầu như máy chụp MRI 3 Tesla, máy chụp CT 768 lát cắt… giúp tầm soát đột quỵ từ sớm hiệu quả. Những phần mềm chuyên dụng sẽ giúp hỗ trợ đánh giá, phát hiện các nguy cơ cao đột quỵ như tắc nghẽn, hẹp, phình, vỡ phình, dị dạng mạch máu não…

Ngoài ra, việc tầm soát, điều trị các bệnh lý nền liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường, cao cholesterol, béo phì… cũng đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa đột quỵ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước