Gỡ bỏ ngay sản phẩm gắn bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 11/08/2020 17:38 GMT+7

Một xe ô tô cố tình dán bản đồ sai lệch về chủ quyền biển, đảo (Ảnh: VOV)

VTV.vn - Các sản phẩm gắn bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo, gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được Công văn số 2516/BTTTT-TTĐN của Bộ Thông tin và Truyền thông phản ánh một số website, ứng dụng thương mại điện tử đang bán các sản phẩm có dán bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng SaTrường Sa, thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia.

Nhằm tránh những tác động xấu đến thị giác của người dân và du khách nước ngoài, hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo về lâu dài, gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các thương nhân, tổ chức, cá nhân:

- Kiểm tra, rà soát và GỠ BỎ NGAY các sản phẩm vi phạm nêu trên trên website và ứng dụng thương mại điện tử (nếu có).

- Triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt… nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm nêu trên và các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật khác (nếu có) trên website và ứng dụng theo quy định.

- Đồng thời báo cáo các nội dung nêu trên bằng văn bản và gửi về Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương trước ngày 13/8/2020.

Gỡ bỏ ngay sản phẩm gắn bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh 1.

Một số sản phẩm gắn bản đồ Việt Nam được đăng bán trên các trang thương mại điện tử

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu phối hợp xử lý việc gắn hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nếu phát hiện phương tiện có dán, gắn hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên kính, thân xe và khung biển số xe thì cảnh báo ngay cho chủ phương tiện để có biện pháp bóc, gỡ ngay các hình ảnh vi phạm quy định của pháp luật về chủ quyền ra khỏi phương tiện.

Trường hợp chủ phương tiện cố tình không thực hiện thì lập danh sách thông tin về BKS, chủ phương tiện kèm theo hình ảnh vi phạm gắn trên phương tiện để cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Thời gian qua, nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân, thương nhân có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính xe, thân xe và khung biển số xe nhưng thiếu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Những sản phẩm thiết kế dán sẵn hình ảnh bản đồ vi phạm này đang được bán tự do trên một số website, ứng dụng thương mại điện tử.

Qua theo dõi nắm tình hình, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện tình trạng có nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân và tổ chức có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính, thân xe và khung biển số xe nhưng không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Khung biển số ô tô, mô tô, xe gắn máy thiết kế dán sẵn hình bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa được sản xuất hàng loạt và bán tự do trên thị trường nhiều tỉnh, thành cả nước cũng như một số sàn giao dịch điện tử như Shopee, Lazada... Các khung biển số này có thể dễ dàng lắp ráp vào biển số xe do cơ quan chức năng cấp.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng do các phương tiện giao thông có phạm vi đi lại rộng, tác động thị giác lớn đến người dân và du khách nước ngoài, có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển đảo. Về lâu dài, việc này gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Mọi hoạt động tại Trường Sa và Hoàng Sa không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị Mọi hoạt động tại Trường Sa và Hoàng Sa không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị

VTV.vn - Người Phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng nêu quan điểm của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc điều tàu chiến, máy bay chiến đấu tới các cấu trúc tôn tạo ở quần đảo Trường Sa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước