Góp ý hoàn thiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 27/04/2022 19:40 GMT+7

Các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 dự kiến được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ trong tháng 4.

Đây cũng là nội dung của Hội thảo lấy ý kiến của các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển do Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức phối hợp tổ chức.

Dự thảo Chiến lược đề ra 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong đó, quan điểm xuyên suốt của chiến lược là Việt Nam sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế. Bên cạnh việc đánh giá cao nỗ lực xây dựng chiến lược biến đổi khí hậu của Việt Nam, đại diện một số tổ chức quốc tế, đối tác phát triển cũng đã có những khuyến nghị để hoàn thiện dự thảo.

Đầu tiên là về chính sách và pháp luật, xây dựng luật biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng bởi qua đó cả chính quyền và người dân đều sẽ nắm được những gì cần phải thay đổi. Cùng với đó là đẩy nhanh việc thích ứng với biến đổi khí hậu, cần đảm bảo các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều được quan tâm và ưu tiên. Thứ 3 là công tác quy hoạch. Rất cần phải có một kế hoạch minh bạch và rõ ràng cho cả chính quyền và người dân. Và cuối cùng là vấn đề tài chính. Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để khuyến khích đầu tư vào các dự án kinh tế xanh nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050.

Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 được hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu trong gần 2 năm qua. Dự kiến sau khi được các đối tác quốc tế đóng góp ý kiến, dự thảo sẽ sớm được hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước