Dự án thay thế 6700 cây xanh ở Hà Nội:

GS Nguyễn Lân Dũng: Chuyện của Thủ đô không phải là chuyện của Sở Xây dựng

CSTN-Thứ sáu, ngày 20/03/2015 06:15 GMT+7

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: một chuyện lớn như dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội không phải chuyện của Sở Xây dựng, mà phải xin ý kiến Quốc hội, lấy ý kiến nhân dân cả nước.

Chỉ trong vòng ít giờ, hàng chục cây xanh lâu năm trên phố Nguyễn Chí Thanh đã bị quật ngã. Không chỉ là những loại cây lâm nghiệp không phù hợp với đô thị, những cây già yếu, mục ruột mà cả hai hàng hoa sữa tươi tốt đồng bộ nằm giữa phố, hay những cây xà cừ có tuổi đời không dưới 50 năm và chắc khỏe cũng đã bị cưa gọn. Người dân trên con phố này đang thực sự lo lắng cho những mùa hè sắp tới.

Những hàng cây vàng tâm được trồng thay thế nhìn bề ngoài rõ ràng cao thẳng, đồng bộ và sẽ tạo ra một bộ mặt mới cho con phố được đánh giá là đẹp nhất của thành phố trong tương lai. Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào một thực tế, thay thế cây xanh hoàn toàn không giống như thay thế một cái cột đèn hay một tấm biển báo giao thông. Phải mất hàng chục năm nữa, những hàng cây vàng tâm mới có khả năng cho bóng mát và điều hòa môi trường trên con phố vốn rất đông đúc này.

Hà Nội coi thường các nhà khoa học

Chia sẻ trong chương trình Cuộc sống thường ngày, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông vô cùng đau xót khi chứng kiến những gốc cây to bằng cả vòng tay bị chặt phẳng lì trên nhiều con phố ở Hà Nội những ngày qua. Ông cho biết thêm, chỉ trong vài ngày, ông đã nhận được vài chục cuộc điện thoại của nhiều người dân bày tỏ sự bức xúc với quyết định thay thế 6700 cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội.

"Nhiều người gọi điện cho tôi vô cùng gay gắt, thậm chí có người còn hỏi: ông ơi, liệu có lợi ích nhóm ở đây không? Tôi nghĩ là không có nhưng người ta thắc mắc đến mức ấy đấy", GS Nguyễn Lân Dũng cho biết.

"Nếu giao cho chúng tôi (các hội Thực vật học, hội Sinh thái học, hội Môi trường...) nghiên cứu xem trồng cây gì trên các tuyến phố Hà Nội hay tuyến phố nào, trồng cây gì, chúng tôi đủ chuyên gia để có ý kiến nhưng tại sao chúng tôi không được hỏi bao giờ... Hà Nội coi thường các nhà khoa học. Các nhà khoa học giỏi đều tập trung ở thủ đô nhưng những chuyện lớn thế này, chúng tôi không bao giờ được hỏi", GS Nguyễn Lân Dũng cho biết thêm.

Ở góc độ của một nhà khoa học, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định, cây vàng tâm là cây quý nhưng mọc rất chậm, và không nên trồng để làm cây bóng mát. Ông cho biết thêm cây xà cừ đúng là rễ nông nhưng cây nào hỏng, thì sửa cây đó, không nên vì một cây mà chặt cả phố.

Chuyện của Thủ đô không phải là chuyện của Sở Xây dựng

Cũng trong cuộc trò chuyện trên trường quay chương trình Cuộc sống thường ngày, GS Nguyễn Lân Dũng còn bức xúc khẳng định: "Những chuyện ở thành phố Hà Nội khác với các thành phố khác vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Vẻ đẹp của Hà Nội đâu chỉ ở nhà cửa, đường sá mà còn ở cây cối.

Tôi có may mắn được đi qua thủ đô 30 nước rồi, tôi thấy thủ đô mình đẹp quá vì có nhiều cây xanh. Chúng ta coi thường điều này là rất vô lý. Họ nói là cây đổ. Cây đổ là tại mình, mình không cắt tỉa. Nếu đổ cây nào thì mình sửa cây đó, đây lại chặt cả phố. Trên đường đến đây, đi qua phố Quang Trung, tôi xót xa quá. Những gốc cây to bằng cả vòng tay bị chặt phẳng dù đang rất tốt. Sắp tới, mấy nghìn cây bị chặt, tôi không hiểu người dân Hà Nội sẽ nghĩ sao.

Riêng tôi nghĩ rằng, Hà Nội là thủ đô, chuyện của thủ đô không phải chuyện của Sở Xây dựng, thậm chí không phải là của UBND. Những chuyện lớn như vậy phải xin ý kiến Quốc hội, lấy ý kiến nhân dân cả nước. Không phải để mất vẻ đẹp thủ đô một nước dễ dàng như vậy được. Không thể để nhân dân bức xúc vì một chuyện như thế này được".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước