Những khu tập thể đã có hàng chục năm tuổi, xuống cấp nghiêm trọng và có thể sập bất cứ lúc nào, còn gọi là các khu tập thể cấp D. Hà Nội hiện có 10 khu tập thể ở dạng này.
TP Hà Nội lên phương án cải tạo, tái thiết đô thị đối với những khu nhà nguy hiểm này. Tuy nhiên tiến độ hiện nay còn khá chậm khi mới chỉ đạt được hơn 1%.
Chị Kim Anh đã có hơn chục năm sống tại khu tập thể số 10 trên con phố Vọng Hà, một trong những khu tập thể bằng gỗ, được đánh giá nguy hiểm cấp D, còn sót lại trên địa bàn phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.
Trước tình trạng xuống cấp, cùng với nỗi lo cháy nổ, chị cùng 30 hộ dân đã đồng thuận di dời.
"Việc được di dời đi, đến một nơi ở mới tốt hơn, tránh được sự lo lắng vì nhà gỗ này không có cửa nào ngoài cửa ra vào chính. Nếu xảy ra cháy thì bên trong bị lấp hết lối ra", chị Hoàng Kim Anh, cư dân khu tập thể nhà gỗ số 10, phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ.
Đến nay, quận Hoàn Kiếm đã di dời 12 trên tổng số 17 khu tập thể bằng gỗ; dự kiến đến năm sau sẽ hoàn thành di dời nốt những khu nhà còn lại.
Hà Nội còn hơn 1.500 khu tập thể xuống cấp cần di dời. (Ảnh: VGP)
"Được sự quan tâm của thành phố, quận cũng như của phường cho bà con họp hành, xem nhà, xem cửa nơi cư trú mới, hỗ trợ giải tỏa nên người dân phấn khởi. Do đó khi có quyết định thu hồi đất, bà con sẵn sàng trao lại cho ban giải phóng mặt bằng đúng thời hạn", ông Đinh Văn Hưởng, Tổ trưởng tổ dân phố số 4 phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết.
"Sau khi hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng, chúng tôi sẽ đưa vào thi công, mở rộng trường tiểu học Chương Dương, xây dựng trường mầm non. Những nhà gỗ còn lại cũng sẽ chỉ phục vụ cho lợi ích cộng đồng ví dụ như trạm y tế, nhà văn hóa", ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho hay.
Hà Nội vẫn còn hơn 1.500 khu tập thể xuống cấp cần di dời. Đến nay mới có gần 20 dự án di dời, cải tạo chung cư cũ hoàn thành, chiếm hơn 1%, thành phố đã đưa ra giải pháp mới để đẩy nhanh công tác này.
"Thành phố đã có chủ trương ủy quyền cho các quận, huyện để có thể chủ động xác định hệ số đền bù, cũng như đề xuất lựa chọn chủ đầu tư. Việc này sẽ phù hợp vì mỗi địa phương, mỗi một khu vực sẽ có tính chất, chiều cao, quy mô và cơ sở hạ tầng khác nhau", ông Trương Minh Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị, quận Đống Đa, Hà Nội, thông tin.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự kiến trong tháng này sẽ thông qua 126 kết quả kiểm định chung cư cũ. Đây sẽ là cơ sở để các quận, huyện, nhà đầu tư chủ động thỏa thuận, thống nhất với người dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.