Hà Nội hạn chế xe máy sau năm 2030: Cần cân đối giữa quản lý và lợi ích người dân

Thùy Linh, Gia Hiếu-Thứ sáu, ngày 30/06/2023 21:01 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội lên phương án hạn chế và tiến tới dừng hoạt động xe máy tại nội đô. Cần một lộ trình phù hợp để cân đối giữa lợi ích người dân và công tác quản lý Nhà nước.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập Đề án "phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030". Đây là nội dung đáng chú ý trong Đề án Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội tầm nhìn 2030 vừa được phê duyệt. 

Việc định hướng hạn chế và tiến tới dừng hoạt động xe máy trong nội đô Hà Nội không phải lần đầu được đề cập. Trước đó, Hà Nội đã nhiều lần bàn đến việc cấm xe máy vào khu vực nội đô vào năm 2017, 2019. Hiện Hà Nội có gần 7 triệu xe máy lưu thông trên tổng số gần 9 triệu dân. Bên cạnh những lợi ích mang lại, xe máy cũng gây ra nhiều tác động bất lợi về an toàn giao thông và môi trường.

Vào tháng 4 năm 2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 48. Theo đó, UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Hà Nội hạn chế xe máy sau năm 2030: Cần cân đối giữa lợi ích người dân và công tác quản lý - Ảnh 1.

Hà Nội có gần 7 triệu xe máy lưu thông trên tổng số gần 9 triệu dân (Ảnh minh họa: TTXVN)

Việc hạn chế xe máy sẽ góp phần giảm tai nạn giao thông, tắc đường và ô nhiễm môi trường. Thế nhưng khó phủ nhận, xe máy đã trở thành phương tiện giao thông thuận tiện, tiết kiệm và linh hoạt, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, nơi đường phố chật hẹp, hệ thống giao thông công cộng còn chưa phát triển. Xe máy cũng là phương tiện giao thông không thể thiếu đối với đời sống hàng ngày và sinh kế của hàng triệu người.

Vì vậy, việc hạn chế xe máy cũng có nghĩa là phải tính đến việc chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng triệu người. Chỉ còn hơn 6 năm nữa cho lộ trình này. Rõ ràng, chủ trương hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030 là một thách thức lớn đối với Hà Nội trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn bất cập, yếu kém, hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Nhiều thành phố lớn ở châu Á đều có những chính sách hạn chế xe máy như đánh thuế, phí cao với các xe cấp mới hay đưa ra lộ trình cụ thể để hạn chế xe máy.

Tại Indonesia, năm 2014, thủ đô Jakarta đã thử nghiệm cấm xe máy đi vào hai trục đường chính của thành phố để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Lệnh cấm kéo dài 1 tháng. Bắt đầu từ tháng 2/2015, Jakarta áp dụng lệnh cấm xe máy ở một số khu vực và tuyến đường trung tâm - nơi có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Cùng với thực hiện lệnh cấm xe máy, chính quyền thành phố kéo dài giờ hoạt động của xe bus và bổ sung xe bus. Mặc dù vậy, việc có quá nhiều ô tô cá nhân vẫn gây ra tình trạng tắc đường tại Jakarta.

Cục An toàn Giao thông đường bộ Malaysia cho biết, 62% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nước này liên quan đến mô tô, xe máy. Vì vậy, Malaysia đã từng đề xuất cấm xe máy ở thủ đô Kuala Lumpur từ năm 2017 nhưng cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Hiện Malaysia ưu tiên phát triển các phương tiện công cộng để giảm tắc đường. Ngay cả đường cao tốc cũng có làn dành riêng cho xe máy.

Xe máy là phương tiện phổ biến ở Thái Lan. Theo Trung tâm Nghiên cứu tai nạn Thái Lan, xe máy là phương tiện được sử dụng phần lớn ở nước này bởi tiện lợi, chi phí rẻ và còn là phương tiện sinh sống. Thái Lan chưa có chủ trương cấm xe máy. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại các vụ tai nạn giao thông từ xe máy chiếm đến 70%. Thái Lan hướng tới việc tuyên truyền người dân tăng cường ý thức giao thông ngày từ nhà trường.

Thành phố Bắc Kinh bắt đầu cấm xe máy từ năm 1985. Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc tiến hành cấm xe máy từ 2006 trên một số tuyến phố chính. Đến đầu năm 2007, Quảng Châu cấm hoàn toàn xe máy trong trung tâm thành phố. Để phục vụ nhu cầu đi lại, chính quyền thành phố Quảng Châu đưa vào vận hành các loại xe bus nhỏ phù hợp với các tuyến phố nhỏ, nơi trước đây chỉ có xe máy có thể lưu thông.

Sau một thời gian áp dụng, tại thành phố Quảng Châu, khoảng 50% người dân thường sử dụng xe máy đã chuyển sang đi xe bus, ô tô, xe đạp và đi bộ. Đến năm 2020, đã có khoảng 185 thành phố ở Trung Quốc đã cấm xe máy. Một số hội chợ việc làm đặc biệt cũng được mở ra tại Trung Quốc nhằm giúp đỡ tìm việc làm cho những người từng chạy xe ôm hay trong các lĩnh vực có liên quan đến xe máy.

Hiện tại và tương lai gần, hệ thống giao thông công cộng tại các thành phố lớn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì vậy, việc hạn chế xe máy, có thể tạo ra khó khăn nhất định cho người dân thành phố. Như vậy việc hạn chế xe máy là một chủ trương đúng nhưng cần lộ trình phù hợp và đi liền với những giải pháp đồng bộ và nhân văn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước