Dù giai đoạn 9 tháng đầu năm 2020 đặt ra rất nhiều thách thức cho mọi mặt, mọi lĩnh vực và các ngành nghề trên cả nước khi dịch COVID-19 không ngừng hoành hành, nhưng nhìn chung, kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn trong 3 quý đầu năm 2020 lại đạt được những kết quả đáng kể.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,05%
Từ đầu năm 2020 đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục đạt được một số kết quả đáng lưu ý. Cụ thể như tốc độ tăng trưởng GRD: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2020 tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước (đảm bảo theo kế hoạch đề ra). Cơ cấu các ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch theo xu hướng tích cực tăng tỷ trọng lĩnh vực thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, giảm tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019.
Thành phố tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có tiến bộ rõ rệt, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên tập trung có hiệu quả kinh tế cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung…
Các loại cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả, đặc sản (cam canh, bưởi diễn, nhãn muộn...), cây có giá trị cao và phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn.
Nông nghiệp thành phố Hà Nội chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên tập trung có hiệu quả kinh tế cao
Tình hình nuôi trồng thủy sản về diện tích nuôi không biến động nhiều, nhưng sản lượng thu hoạch tăng là do các mô hình nuôi thả theo phương thức thâm canh, mô hình nuôi cá chép năng suất cao, cá rô phi đơn tính, cá lăng trong lồng… nên năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản cao hơn so với nuôi trồng truyền thống.
Đặc biệt, TP đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân.
Kế hoạch Xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra đến năm 2020, thành phố Hà Nội đã có 06 huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ công nhận cho thị xã Sơn Tây và làm hồ sơ trình công nhận cho 06 huyện.
Vẫn còn những hạn chế cần khắc phục
Dù đạt được những thành quả đáng khích lệ, song vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt. Các cơ sở, trang trại, gia trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn ít, trong khi bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch.
Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cải thiện, nhưng vẫn còn là mối quan tâm của người tiêu dùng Thủ đô; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.
Do tốc độ đô thị hóa nhanh, một số diện tích đất chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đô thị, công nghiệp làm quy mô diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm; diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên đơn vị sản xuất thấp và dần bị thu hẹp, khó khăn cho việc hiện đại hóa và xây dựng nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Tình trạng người dân bỏ ruộng không sản xuất, làm ảnh hưởng chung đến với phát triển của ngành, công tác phòng chống dịch bệnh, tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn còn chưa đủ mạnh, chưa có chính sách đột phá khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và giết mổ, chế biến sản phẩm nông nghiệp…
Cần kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
Trước những hạn chế trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất và kiến nghị UBND Thành phố cho phép tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Thành phố tăng tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đảm bảo an toàn đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống giảm nhẹ thiên tai.
Ngoài ra, kiến nghị TP quan tâm kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường...
Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội năm 2020 đảm bảo hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!