Tìm kiếm giải pháp phát triển nông nghiệp đi đôi với bảo về môi trường

PV-Thứ ba, ngày 29/09/2020 15:42 GMT+7

VTV.vn - Sau hơn 10 năm triển khai, TP Hà Nội đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ngành nông nghiệp.

Mặt trái của phát triển kinh tế làng nghề, nông nghiệp với môi trường

Sáng 29/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị liên kết 4 nhà: "Xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội". Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, các nhà nghiên cứu - khoa học cùng các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất, trang trại trên địa bàn.

Phát triển kinh tế luôn được Đảng, Chính phủ và thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo trong những năm qua đã thu được kết quả đáng khích lệ, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Hà Nội.

Cụ thể, các cụm công nghiệp, làng nghề đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đặc biệt là các làng nghề đã có thu hút các lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi tại địa phương. Tổng doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao tại Hoài Đức như làng nghề điều khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; một số làng nghề khác như làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá, Thạch Thất doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng, Thạch Thất đạt gần 1.000 tỷ đồng; làng nghề miến dong - bánh đa Phú Diễn, Hữu Hòa, Thanh Trì đạt 500 tỷ đồng…

Tìm kiếm giải pháp phát triển nông nghiệp đi đôi với bảo về môi trường - Ảnh 1.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại Hội thảo

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trong thời gian luôn có đi kèm với vấn đề ô nhiễm môi trường, như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, bụi, chất rắn… tại các làng nghề, cụm nông nghiệp; ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, mùi hôi tại các khu chăn nuôi…

Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước từ năm 2017 - 2020 có 139/292 làng nghề trên địa bàn TP ô nhiễm nghiêm trọng, có 95 làng nghề ô nhiễm, tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

Trong chăn nuôi, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU, hiện Hà Nội có 25,5 nghìn con trâu, 139,6 nghìn con bò, đàn lợn 1.760 con; đàn gia cầm 38 triệu con. Bình quân mỗi năm có trên 422 triệu lit nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường.

Việc phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa rất quan trọng; việc xử lý, tái tạo chất thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ là nguồn tài nguyên vô cùng lớn giúp việc phát triển kinh tế tuần hoàn của nền nông nghiệp sạch, hữu cơ của Thủ đô; bên cạnh đó, việc tận dụng rác thải tái chế bằng công nghệ thân thiện với môi trường góp phần tạo ra sản phẩm hữu ích, bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Hơn 10 năm tìm giải pháp xử lý chất thải trên địa bàn Hà Nội

Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách, cần có sự tham gia của toàn xã hội, TP Hà Nội đã chỉ đạo đưa vào các đề tài, dự án thử nghiệm nhằm xử lý ô nhiễm môi trường như Đề tài "Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bò tại huyện Gia Lâm, Hà Nội"; Dự án sản xuất thử nghiệm Ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong xử lý chất thải động, thực vật làm phân bón; Đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học chứa đa enzym và probiotic để ứng dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi từ bã thải chế biến tinh bột;…

Tìm kiếm giải pháp phát triển nông nghiệp đi đôi với bảo về môi trường - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp đưa ra giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại Hội thảo

Sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở đã tạo những chuyển biến rõ nét tại môi trường nông thôn, bắt đầu từ xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường tại các cụm công nghiệp làng nghề; khu vực nông thôn.

Công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nhận thức của các cấp, các ngành, vai trò của người dân trong việc giữ gìn môi trường nông thôn ngày càng được quan tâm và thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn có những tồn tại và hạn chế trong các hoạt động trên, nguyên nhân là bởi vai trò của người đứng đầu chính quyền, các tổ chức xã hội ở một số địa phương còn chưa quyết liệt. Ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm. Sự phân cấp, phối hợp với các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp chưa được chặt chẽ.

Vì vậy, Ban chỉ đạo chương trình 02-CTr/TU kiến nghị TP Hà Nội ban hành các chính sách về đầu tư, quản lý và vận hành các hệ thống xử lý môi trường nông thôn.

Đối với các Bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể, dễ thực hiện để phát triển sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết những xung đột về xử lý môi trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

nông nghiệp

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước