Trên bản đồ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội, sông Hồng, sẽ là trục xanh của thành phố Hà Nội.
Theo quy hoạch này, thành phố phía Bắc sẽ bao gồm Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm. Thành phố phía Tây sẽ gồm Hòa Lạc và Xuân Mai. Đây sẽ là 2 thành phố theo mô hình TP trong TP của Hà Nội, mở ra những tiềm năng phát triển rất lớn cho diện mạo Thủ đô.
Thành phố phía Bắc sẽ là một đô thị quy mô lớn, rộng hơn 350 km2, khoảng 2 triệu dân đến năm 2030. Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh đều có tiềm năng kinh tế, lao động, cảnh quan đa dạng sẽ là động lực phát triển cho Hà Nội nhưng hiện tốc độ đô thị hóa diễn ra rất chậm
Thành phố phía Tây sẽ là đô thị khoa học công nghệ sầm uất với điểm nhấn là khu công nghệ cao Hòa Lạc. Các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ cũng đang dịch chuyền về đây, tạo nên sự hấp dẫn cho đô thị này.
Trong hơn 2.000 năm lịch sử, Hà Nội luôn lấy sông Hồng làm trục ranh giới giữa nội thành và ngoại thành và là phòng tuyến an ninh. Năm 2001, lần đầu tiên có một quận bên kia sông Hồng là quận Long Biên. Các thành phố phía Bắc và phía Tây lấy sông Hồng làm trung tâm sẽ đưa Hà Nội lên một bước phát triển mới chưa từng có, với những kỳ vọng lớn lao về sự đi lên của cuộc sống người dân.
Mô hình thành phố trong thành phố trên thế giới
Như vậy, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng sẽ phát triển mô hình thành phố trong thành phố. Trên thế giới, đây không phải là mô hình mới. Nhiều thành phố lớn của các nước cũng đã phát triển theo mô hình này.
Thủ đô Seoul có diện tích 605km2, dân số 9 triệu người cũng là một thành phố phát triển hai bờ sông Hàn. Cùng với Seoul, thành phố Incheon ngay cạnh Seoul được thành lập. Chưa đầy 2 thập niên sau, nơi này trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng và là thành phố lớn thứ ba (với khoảng 3 triệu dân) của Hàn Quốc.
Gangnam - phía Nam thủ đô đã thành một vùng đô thị tầm cỡ quốc tế có quy mô 5 triệu người. Mô hình chính quyền thành phố, quận và phường đã giúp Seoul phát triển và trở thành một siêu đô thị cạnh tranh toàn cầu.
Seoul, Manila, Tokyo đều có mô hình thành phố trong thành phố, đó là mô hình không chỉ châu Âu mà châu Á cũng thành công. Tokyo, Nhật Bản là một "quần thể đô thị" gồm 23 đặc khu, 26 thành phố, 5 thị trấn và 8 làng. Mỗi phân khu hành chính đều có chính quyền địa phương riêng.
Tuy nhiên, thành phố trong thành phố vẫn là một mô hình mới mẻ và không phải khi nào cũng mang lại hiệu quả lập tức. Như mô hình ở Manila và Jakarta, chính quyền các thành phố này đang tìm cách tăng cường kết nối và tìm tiếng nói chung để phát huy hiệu quả. Rõ ràng, không có công thức thành công chung của mô hình thành phố trong thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!