Hà Nội sau 10 ngày giãn cách chống COVID-19: Những kết quả bước đầu

Theo TTXVN-Thứ ba, ngày 03/08/2021 10:55 GMT+7

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong ngày đi làm đầu tuần. Ảnh: TTXVN.

VTV.vn - Tính từ 6h00 ngày 24/7 đến nay, Thủ đô Hà Nội đã qua 10 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Việc giãn cách lần này dựa trên nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tình hình của Hà Nội đang trong tầm kiểm soát: không có sự xáo trộn về an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội, các ca mắc COVID-19 tăng ở mức được dự báo trước, giá cả các mặt hàng nhìn chung ổn định…

Bối rối ngày đầu, chấn chỉnh về sau

Trong 3 ngày đầu áp dụng giãn cách xã hội thì cả từ phía chính quyền cấp quận, cơ quan chức năng đến người dân, doanh nghiệp đều có sự lúng túng. Các chốt kiểm soát hoặc hoạt động lỏng lẻo, hoặc áp dụng quy định một cách máy móc khiến các phương tiện giao thông bị dồn ứ, người dân cảm thấy bị phiền nhà, đường phố vẫn còn đông người, mẫu "giấy đi đường" không thống nhất, chưa có "thẻ đi chợ"; vẫn còn tình trạng bán hàng "chui", tập thể dục "trộm"…

Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19" nêu rõ:

Việc thực hiện còn có những hạn chế, chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, chưa đúng tinh thần Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; có địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là, chủ quan; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách... ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, sau những ngày đầu bỡ ngỡ, những điều bất cập được điều chỉnh. Ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân cũng được nâng cao rõ rệt.

Hà Nội sau 10 ngày giãn cách chống COVID-19: Những kết quả bước đầu - Ảnh 1.

Phố Phạm Ngọc Thạch vắng vẻ trong ngày làm việc đầu tuần. Ảnh: TTXVN.

Chiều 27/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã chủ trì phiên họp của Thường trực Thành ủy để đánh giá tình hình. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, việc ban hành Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là đúng, trúng, kịp thời, được đông đảo dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.

Bí thư Thành ủy yêu cầu các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên giám sát việc thực hiện tại các quận, huyện, thị xã, kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu. Kết quả triển khai nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và cấp bách này là "thước đo" uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu.

Nhấn mạnh một số vấn đề hạn chế, tồn tại cụ thể trong 3 ngày đầu áp dụng Chỉ thị 17/CT-UBND, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố làm đầu mối, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức, bố trí đủ các chốt nhằm kiểm tra, kiểm soát, nhất là ở địa bàn giáp ranh, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách: Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Hà Nội cách ly với các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Hà Nội phải làm việc cụ thể với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, bao gồm cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trung ương, yêu cầu thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm.

Các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải tăng thêm lực lượng trực kiểm tra, kiểm soát tại chỗ và lưu động; huy động sự tham gia của lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, các đoàn viên, hội viên, các tổ phòng, chống COVID-19 trong cộng đồng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm; tăng quy mô, mật độ kiểm tra, kiểm soát trên các địa bàn, các tuyến đường giao thông, các khu vực công cộng, xử lý nghiêm các trường hợp ra ngoài mà không có lý do chính đáng, không đúng quy định; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, sử dụng hệ thống truyền thanh để tuyên truyền, nhắc nhở hằng ngày.

Người dân đồng tình xử lý nghiêm các vi phạm

Như TTXVN đã đưa tin, từ 11h00 ngày 30/7 (thứ Bảy) đến 11h00 ngày 31/7 (Chủ nhật), tại 23 chốt kiểm soát các cửa ngõ ra, vào Thủ đô, lực lượng chức năng đã kiểm soát 39.722 lượt phương tiện; yêu cầu 3.301 phương tiện quay đầu để không vào thành phố.

Lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ, tham mưu với chính quyền các cấp để xử phạt 689 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch với tổng số tiền phạt là hơn 1,1 tỷ đồng. Tính gộp từ sáng 24 đến trưa 31/7, cơ quan chức năng đã xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, lực lượng công an của Thủ đô đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên ngành trong việc lập chốt kiểm soát dịch tại nhiều tuyến phố trung tâm, kiểm tra, xử phạt những trường hợp ra ngoài không có nhu cầu thiết yếu, đi làm không có giấy tờ hợp lệ.

Dư luận xã hội có sự đồng tình rất cao trước việc các cơ quan chức năng mạnh tay với các đối tượng ra đường không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang, trây ì, không chịu đi cách ly tập trung khi bản thân mình có nguy cơ lây nhiễm virus cho cộng đồng, chống đối những người đang làm nhiệm vụ…

Hà Nội sau 10 ngày giãn cách chống COVID-19: Những kết quả bước đầu - Ảnh 2.

Chốt kiểm soát của huyện Chương Mỹ tại Ngã ba Miếu Môn. Ảnh: VGP.

Điều này thể hiện rõ nét trên mạng xã hội và các diễn đàn mạng qua thái độ "trăm người như một" phê phán một "ông già gân" (người đàn ông lớn tuổi hành hung chiến sĩ công an khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang), một "chị gái lý sự cùn" (người phụ nữ tiếp xúc trực tiếp với ca F0 nhưng tự khẳng định mình là "F1 không thể bị nhiễm virus")…

Tuyệt đại đa số các ý kiến đều mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch, để Thủ đô kết thúc việc giãn cách "đúng hạn", người dân sớm trở về với cuộc sống bình yên thường nhật, các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất.

Vì sao ca mắc COVID-19 vẫn tăng?

Trong nửa phần đầu của thời gian thực hiện giãn cách xã hội, trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 70 ca mắc COVID-19, gần như theo đồ thị "đi ngang" tuy có lúc lên, lúc xuống. Vào những ngày cuối của đợt giãn cách, số ca nhiễm tăng cao hơn. Trong ngày 30/7, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận 119 ca dương tính với SARS-CoV-2. Từ 6h đến 18h30 ngày 2/8, Bộ Y tế cho biết, Hà Nội có 113 ca mắc.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết: Trong 119 ca bệnh mắc mới của ngày 30/7 ở Hà Nội có 58 ca tại khu cách ly tập trung và 61 ca được phát hiện tại cộng đồng. Những ca được phát hiện tại khu cách ly tập trung đều được quản lý và không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, điều đáng lo ngại là 61 ca được ghi nhận tại cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội thông báo, chỉ từ 18h ngày 1/8 đến 6h ngày 2/8, thành phố ghi nhận 45 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2, chỉ có 7 trường hợp được phát hiện tại khu cách ly, 38 trường hợp còn lại là do lây nhiễm tại cộng đồng.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, số ca mắc được ghi nhận đang tăng lên chứng tỏ Hà Nội đã đánh giá đúng nguy cơ và đã rà soát đúng các đối tượng. Phải ít nhất sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội thì số ca mắc mới có thể sẽ giảm dần sau khi đạt đỉnh.

Hà Nội sau 10 ngày giãn cách chống COVID-19: Những kết quả bước đầu - Ảnh 3.

Hà Nội tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại khu vực có nguy cơ cao. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, để số ca mắc COVID-19 ở Thủ đô giảm dần thì việc giãn cách phải được tuân thủ nghiêm ngặt hơn từ phía chính quyền, các cơ quan chức năng, cùng với sự ủng hộ triệt để từ phía người dân.

Đợt dịch mới này khó khăn hơn nhiều so với những đợt dịch trước đó. Bởi vì tại 29 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đều đã có các ca mắc COVID-19. Các chùm ca bệnh đã xuất hiện rải rác từ quận đến huyện, từ nội thành ra ngoại thành.

Thậm chí, một số ổ dịch có diễn biến kéo dài như tại Bệnh viện Phổi Hà Nội; tại thôn Thọ Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì); tại phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng); tại phường Tân Mai (quận Hoàng Mai)... Đặc biệt, nhiều chu kỳ lây nhiễm (từ F1 thành F0 lây cho F2 và F2 thành F0 lây cho F3) đã xuất hiện trong một ổ dịch.

Một cái khó nữa trong việc khống chế SARS-CoV-2 ở Thủ đô là dịch đã len lỏi vào một nhánh của hệ thống cung cấp thực phẩm cho các siêu thị cũng như các ca nhiễm đã xuất hiện tại các chợ đầu mối. Tối 1/8, Công ty Thực phẩm Thanh Nga (quận Hai Bà Trưng) ghi nhận 21 ca mắc COVID-19 có liên quan đến một số siêu thị và cửa hàng tiện ích ở Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, chợ đầu mối Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) và chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) đã bị phong tỏa vì có ca mắc COVID-19. Việc tìm nguồn lây cũng như truy vết các trường hợp F1 ở siêu thị, cửa hàng tiện ích và chợ đầu mối cực kỳ phức tạp.

Diễn biến mới đặt ra cho UBND thành phố Hà Nội cùng lúc phải giải quyết nhanh hai bài toán - vừa khống chế dịch bệnh vừa tìm nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân. Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện tại, việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn được bảo đảm. Sở đã có văn bản hướng dẫn các chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm triển khai các giải pháp xử lý trong tình huống phải tạm đóng cửa do có ca lây mắc COVID-19, nhanh chóng bảo đảm an toàn để có thể sớm hoạt động trở lại.

Chính quyền các quận, huyện bị ảnh hưởng cũng đã có phương án giải quyết kịp thời để người dân có nơi mua những loại thực phẩm thiết yếu.

Những việc Hà Nội "cần làm ngay"

Ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, các đơn vị, địa phương cần chủ động đánh giá tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn, đặc biệt tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa; phê duyệt phương án phòng, chống dịch đối với các trụ sở cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn; chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa một khu vực - khu dân cư, tổ dân phố, phường, xã, thị trấn để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Hà Nội ưu tiên tập trung một số biện pháp cấp bách: Truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác…; tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch; cách ly, giám sát, xét nghiệm các nguy cơ đối với các trường hợp về từ vùng dịch và các địa điểm, vùng có nguy cơ khác do cơ quan y tế tham mưu.

Hà Nội sau 10 ngày giãn cách chống COVID-19: Những kết quả bước đầu - Ảnh 4.

Mật độ giao thông trên đường Nguyễn Trãi, vắng vẻ hơn ngày thường. Ảnh: Minh Quyết.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của Trung ương và thành phố, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND, thực hiện đúng quy định về giãn cách xã hội và số lượng người làm việc tại công sở; triển khai đồng bộ các mô hình hay, có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.

Tất cả các bệnh viện thuộc sự quản lý của thành phố và các bệnh viện của Trung ương, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được yêu cầu rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại đơn vị trình UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn phê duyệt; các cán bộ, nhân viên bệnh viện thực hiện "4 tại chỗ": làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - sinh hoạt, nghỉ ngơi tại chỗ - điều trị tại chỗ.

Chủ tịch UBND thành phố giao nhiệm vụ cho chính quyền quận, huyện, thị xã và các cơ quan chức năng tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, trừ những người được chính quyền cho phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình…

Những biện pháp mạnh nói trên được xem là cách mà Thủ đô Hà Nội đáp lại Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra ngày 29/7: "Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Xử lý nghiêm đơn vị, cơ quan vi phạm về giãn cách xã hội Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Xử lý nghiêm đơn vị, cơ quan vi phạm về giãn cách xã hội

VTV.vn - Trước nhiều ca COVID-19 mới lây nhiễm, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, việc đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội nghiêm mới giúp "bóc tách" hết F0 trong cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước