Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, tính đến sáng 29/12, các doanh nghiệp đã đăng ký 18.000 tỷ đồng hàng hóa; hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân dịp Tết.
Về công tác triển khai tổ chức chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố, bà Lan thông tin, đến nay, đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng; đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán (123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên doanh, 1.900 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 500 bếp ăn tập thể).
UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng và triển khai hiệu quả phương án đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn ứng phó với dịch COVID-19. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã xây dựng và triển khai các phương án phòng chống dịch để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn cho người lao động và khách mua sắm.
Giám đốc Sở Công Thương cho biết, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết) gồm: gạo 278.910 tấn; thịt lợn 57.780 tấn, thịt gà 18.594 tấn, thịt bò 16,050 tấn, trứng gia cầm 372 triệu quả, rau củ 309,900 tấn; thực phẩm chế biến 15.495 tấn; thủy hải sản 57,750 tấn; trái cây 156.000 tấn... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).
Trong đó, các doanh nghiệp đã xây dựng và tổ chức khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-15% so với Kế hoạch Tết 2021, tại các điểm bán hàng, lượng hàng hóa đã được tăng cường để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ 2 tháng trước Tết với nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu sẵn sàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.
Sở Công Thương Hà Nội uớc tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng
Song song với việc chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Về các hoạt động triển khai từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở tập trung công tác thông tin tuyên truyền, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết 2022 cũng như tình hình dịch COVID-19 để kịp thời điều tiết cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân. Tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu và các phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong công tác liên kết, kết nối sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm để kịp thời khai thác hàng hóa cung cấp cho thị trường Hà Nội từ nay đến Tết Nguyên đán 2022 dưới các hình thức: Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất các loại thực phẩm chế biến có uy tín để kết nối với các doanh nghiệp Hà Nội, đặc biệt các mặt hàng dễ biến động về nguồn cung; phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu đưa các loại thực phẩm chế biến, nông sản thực phẩm, trái cây… phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!