Ban Chỉ đạo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) thành phố Hà Nội thông tin: 14/25 dịch vụ công thiết yếu cấp độ 3,4 đã được Hà Nội triển khai đúng tiến độ, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP, đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Đề án cho biết, thành phố đã tổ chức triển khai thử nghiệm Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (từ ngày 1/10/2021) và đã làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Công an kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn thông tin, thống nhất phương án và thực hiện kết nối thành công Hệ thống dịch vụ công trực tuyến thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên môi trường thử nghiệm.
Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch tái cấu trúc, xây dựng, tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với tối thiểu 794 TTHC/1.135 TTHC đủ điều kiện xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Về tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Đề án 06/Chính phủ: Đối với 14/25 dịch vụ công thực hiện trong tháng 3/2022: Đã hoàn thành cung cấp 14/14 dịch vụ công thiết yếu mức độ 3, mức độ 4 (đạt 100%).
Trong đó 11/14 dịch vụ công thiết yếu đã kết nối và chia sẻ với CSDL Quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình tại Đề án số 06/CP; 3/14 dịch vụ công thiết yếu (đăng ký khai sinh – đăng ký khai tử - đăng ký kết hôn) đã thực hiện cung cấp mức độ 3 trên Cổng Dịch vụ công Thành phố, đang chờ kết nối và chia sẻ với CSDL Quốc gia về dân cư.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky cũng cho biết, CATP đã tổ chức thông báo mã số định danh cá nhân cho 100% công dân trên địa bàn Thành phố, triển khai thu nhận 5.718.434 hồ sơ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử và làm sạch 3 cấp đối với 7,9 triệu dữ liệu dân cư, đồng thời cập nhật thông tin 462.329 trường hợp hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và 11.778.073 thông tin tiêm chủng vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Từ ngày 25/02/2022 đến 3/4/2022, đã tiếp nhận 34.281 hồ sơ thu nhận căn cước công dân (CCCD) kèm theo định danh điện tử. Đồng thời, thường xuyên cập nhật dữ liệu dân cư bảo đảm "đúng", "đủ", "sạch", "sống".
Tính đến ngày 5/4/2022, có 30/30 quận, huyện, thị xã đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, 19/30 quận, huyện, thị xã đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo 06 tại cấp có sở, 11/30 quận, huyện thị xã chưa thành lập Ban Chỉ đạo 06 cấp cơ sở (Sơn Tây, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Thường Tín, Chương Mỹ, Ba Vì, Hai Hà Trưng, Nam Từ Liêm, Long Biên, Thanh Oai).
Hà Nội đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện việc kết nối, tích hợp, khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky cũng chỉ rõ một số hạn chế như việc thành lập BCĐ 06 tại một số quận, huyện, thị xã còn chậm, đặc biệt ở cấp cơ sở còn lúng túng trong triển khai thực hiện; đa số các Bộ, ngành đều chưa thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ đối với dịch vụ công trực tuyến ưu tiên triển khai; việc xác định giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử khi người dân, doanh nghiệp nộp trực tuyến còn khó khăn, nhất là đối với người dân khi chưa có chữ ký số cá nhân…
Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Giám đốc CATP cho biết, CATP sẽ tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu Cấp ủy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Đề án 06 vì "đây là Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích quốc gia, của người dân và doanh nghiệp. Sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phát triển nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối chung".
Cần tiếp tục rà soát quy trình, tái cấu trúc các quy trình giải quyết thủ tục hành chính; Tiếp tục chỉ đạo rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT. Thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ CSDL Quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án đã đề ra. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!