Hà Nội với nỗi lo ngập lụt mùa mưa (Kỳ 2): Cần giải pháp đồng bộ để chống ngập

Nguyễn Quân-Thứ tư, ngày 26/06/2024 15:25 GMT+7

GS.TS Dương Thanh Lượng từng có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực thủy lợi

VTV.vn - Theo GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên nhân dẫn đến úng ngập ở Hà Nội là do hệ thống tiêu thoát nước còn chưa đồng bộ hay do tắc cống do rác...

Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, GS.TS Dương Thanh Lượng – Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường ĐH Thủy Lợi đặc biệt quan tâm đến các giải pháp để xử lý vấn đề úng ngập trong thời gian tới. Ông cho rằng sẽ phải cần nhiều giải pháp hiệu quả, có hệ thống để chống ngập bền vững, xây dựng hệ thống đa hạ tầng đồng bộ, giải quyết môi trường thực sự hoàn hảo.

Phóng viên: Đến mùa mưa là câu chuyện ngập lụt ở một số thành phố, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội lại trở thành câu chuyện "đến hẹn lại lên". Xin hỏi cảm giác của ông khi nghe nhận định này?

GS.TS Dương Thanh Lượng: Thông thường cứ đến mùa mưa bão thì một số địa điểm trên Thành phố Hà Nội có hiện tượng úng ngập. Úng ngập ở đây cũng có nhiều trường hợp khác nhau. Tức là úng ngập cục bộ một số địa điểm ở trên đường phố hay là úng ngập toàn hệ thống? Đôi khi chúng ta phải phân biệt rõ hai trường hợp này. Tôi thấy rằng kể từ năm 2008 đến nay thì việc úng ngập ở trên diện rộng trên trục chính đỡ đi rất nhiều sau những nỗ lực của chính quyền thành phố.

Chúng ta đã có trạm bơm Yên Sở, vừa rồi đây có thêm trạm Yên Nghĩa, rồi thời gian tới ta sẽ có thêm các trạm bơm Liên Mạc, Đông Mỹ, Yên Thái, Đào Nguyên… Đó là những trạm bơm tiêu thoát nước đầu mối bơm nước ra các sông bên ngoài (sông Hồng, sông Đáy) với tổng lưu lượng thiết kế là 503 m3/s theo quy hoạch, thì việc úng ngập ở trên diện rộng sẽ được giải quyết cơ bản, đảm bảo chống ngập được đối với những trận mưa 240 mm trong 1 ngày hoặc 340 mm trong 3 ngày ứng với tần suất 10% hay chu kỳ lặp lại lặp là 10 năm . Tuy nhiên, hiện tượng úng ngập cục bộ ở trên một số khu phố, một số tuyến đường thì vẫn còn. Hiện tượng úng ngập cục bộ theo tôi trong những năm tới chắc chưa thể tránh khỏi được.

Hà Nội với nỗi lo ngập lụt mùa mưa (Kỳ 2): Cần giải pháp đồng bộ để chống ngập - Ảnh 1.

GS.TS Dương Thanh Lượng cho rằng có nhiều lí do dẫn đến ngập cục bộ mỗi khi Hà Nội mưa to

Theo ông, những nguyên nhân cơ bản nào đưa đến thực trạng đó?

GS.TS Dương Thanh Lượng: Việc úng ngập cục bộ nhiều địa điểm trong thành phố hay là nhiều khu phố, nhiều tuyến đường theo tôi nguyên nhân chính chủ yếu do hệ thống cống cục bộ chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khách quan nữa. Đầu tiên là hiện tượng mưa lớn, cường độ cao. Thứ hai là hệ thống thoát nước ở nhiều địa điểm nhiều khu phố chưa hoàn chỉnh hoặc là đã có nhưng mà bị xuống cấp, hoặc là nếu có thì lại chưa đủ công suất.

Thực tế thì chúng ta đang dần dần cải tạo các tuyến đường phố nhưng tốc độ tương đối chậm nên nhiều địa điểm vẫn ngập úng cục bộ. Chúng ta thấy là với lượng mưa khoảng 30 đến 40 mm trong vòng một giờ đã thấy nhiều nơi đường phố có hiện tượng nước tràn mặt đường phố, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Những trận mưa như thế, thường là sau khi mưa xong một vài tiếng là nước sẽ rút hết nhưng cũng đủ phiền phức và bất tiện rồi.

Trận mưa đầu mùa cách đây chưa lâu (khoảng lúc 18 - 19 giờ ngày 19 tháng 5) tôi xem trên số liệu trực tuyến của Công ty Thoát nước Hà Nội thì thấy, có những điểm lượng mưa trong vòng 40 mm, cũng có những chỗ chưa mưa mấy, mà đã thấy báo chí thông tin một số tuyến phố ngập rồi. Cùng thời điểm đó, tôi xem mực nước trên các trục tiêu chính (sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu…) thì thấy, nước ở những chỗ này còn đang rất thấp. Một thực tế đang diễn ra là ở một số sông, hệ thống hồ chứa mực nước còn thấp chỉ lưng lửng dưới sâu, nhưng trên đường phố lại bắt đầu ngập lụt khi mưa tuy cường độ mạnh nhưng tổng lượng chưa hẳn lớn mà đã thấy úng ngập, xe máy đã chết máy rồi.

Hà Nội với nỗi lo ngập lụt mùa mưa (Kỳ 2): Cần giải pháp đồng bộ để chống ngập - Ảnh 2.

Cuộc sống người dân sẽ gặp nhiều khó khăn nếu Hà Nội không giải quyết được bài toán ngập khi trời mưa

Mực nước sông, hồ chứa vẫn rất thấp mà ở trên phố thì lại úng ngập khi mưa với lưu lượng lớn chỉ trong tầm 30 phút. Đây có lẽ là hiện tượng úng ngập cục bộ, nước không thoát xuống sông kịp thời?

GS.TS Dương Thanh Lượng: Cục bộ là do tuyến ống trên đường phố không thoát kịp nước mưa xuống kênh tiêu. Tôi nói câu chuyện trong khu tập thể tôi đây, ngày xưa một trận mưa khoảng 30 − 40 mm như trận mưa hôm nọ thôi là trong khu tập thể Đại học Thủy lợi bọn tôi đã không đi được nữa rồi, mặc dù ở mương nhận nước là mương Khương Thượng (đổ ra sông Lừ ở chỗ Trường Đại học Y Hà Nội, bây giờ nó đã được ngầm hóa để thành đường phố Tam Khương), nước ở đấy còn thấp nhưng thực tế trên bề mặt đất của Trường Đại học Thủy lợi thì lại đã ngập. Tình trạng đó là cách đây khoảng 10 năm về trước... Khoảng gần 10 năm nay Bộ Nông nghiệp cho dự án cải tạo hệ thống thoát nước trong khuôn viên trường. Cải tạo là không úng ngập nữa. Mưa khá to mà cũng xử lí được hết.

Vấn đề của chúng ta là do hệ thống tiêu thoát nước đường phố còn đang kém, chưa đủ công suất. Ngoài ra còn một số lí do chủ quan nữa, như tắc cống do rác. Các loại rác, từ rác thải sinh hoạt cho đến các loại ni lon, đất cát rơi xuống làm lấp cống hoặc thu hẹp dòng chảy...

Thực tế những năm gần đây Thành phố Hà Nội cũng đã tiến hành nhiều giải pháp để chống ngập úng cục bộ. Theo ông, trong những nguyên nhân dẫn tới ngập úng và tái ngập úng thì chúng ta cần phải quan tâm đến nguyên nhân nào nhất?

GS.TS Dương Thanh Lượng: Thực ra không phải là tái ngập úng đâu vì ngày xưa ngập úng hơn bây giờ nhiều. Bây giờ chúng ta đang cải tạo, việc úng ngập đỡ hơn nhiều. Vậy nên không phải tái ngập úng mà là hiện tượng đang úng ngập nhưng chưa giải quyết hết được. Nhưng đôi khi cũng phải hiểu rộng ra. Vừa rồi chúng ta đô thị hóa nhiều cho nên diện tích để trữ nước bị giảm dần. Ví dụ như ao hồ thì diện tích bị thu hẹp rất nhiều, rồi bề mặt không thấm nước tăng lên, ngày xưa nó là đất thì bây giờ ta làm đường nhựa, rồi sân bê tông, các khu dân cư như làng Khương Thượng ở đây, ngày xưa ruộng nhiều, ít nhà, nhiều hồ sâu; bây giờ nhà kín hết rồi, làm đường hết rồi, không còn đất nữa. Mưa chảy tuột, không ngấm xuống đất được và nó chảy ra hệ thống tiêu thoát nước, nên cũng có thể là nguyên nhân chủ quan nữa. Phát triển như vậy thì chúng ta phải có giải pháp bù cho nó. Đáng ra, hệ thống thoát nước của chúng ta phải to lên, công suất phải lớn lên thì mới thoát nước nhanh được.

Hà Nội với nỗi lo ngập lụt mùa mưa (Kỳ 2): Cần giải pháp đồng bộ để chống ngập - Ảnh 3.

Cải thiện cơ chế thu hút nguồn lực để đầu tư hệ thống thoát nước theo GS Dương Thanh Lượng là một giải pháp

Có ý kiến cho rằng, cải thiện cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư hệ thống thoát nước là một trong những giải pháp giảm thiểu ngập úng? Ông có đồng ý với nhận định này không? Bản thân tôi thì tôi vẫn cho rằng, căn cốt vẫn là sự đồng bộ…?

GS.TS Dương Thanh Lượng: Tôi hoàn toàn đồng ý. Để khắc phục triệt để được thì chúng ta phải có đầu tư và chúng ta phải hoàn thiện hệ thống thoát nước một cách đồng bộ. Kể cả trục tiêu chính là các sông và kênh lớn mà tôi vừa nói cũng như các hệ thống cống lớn, cống nhỏ trên các khu phố. 

Tất nhiên, để làm được thì chúng ta cần nguồn đầu tư rất lớn vì khối lượng công trình nó lớn lắm. Nhưng thành phố cũng đang nỗ lực. Vì kinh phí có hạn nên người ta đang làm lần lượt từng khu. Cách đây khoảng 3 tháng, tôi cũng có dự một cuộc họp xin ý kiến các nhà khoa học về đề án cải tạo hệ thống thoát nước cho một số khu vực để chống úng ngập cục bộ. Tôi cũng nói đến tính đồng bộ và tính khoa học, hiệu quả thực tiễn khi triển khai.

Là một người đã từng đi nhiều nơi nhiều nước thì ông có thấy là có nước nào có hoàn cảnh giống của nước mình mà mà họ đã xử lý vấn đề ngập úng rất tốt không?

GS.TS Dương Thanh Lượng: Tôi đã sống ở Đông Âu khoảng 6 - 7 năm, bên đấy thì điều kiện mưa khác, họ ít úng ngập vì mưa rào, mà chỉ bị úng ngập do tuyết tan. Nhưng họ đầu tư hệ thống hạ tầng rất đồng bộ. Thậm chí tôi thấy làm một con đường mà phần nổi trên bề mặt là bê tông hay nhựa đường chiếm tỉ lệ ít, cống ở dưới lại rất là lớn. Tuy nhiên, mỗi đất nước một hoàn cảnh, một đặc thù không giống nhau. Vấn đề là mình có được sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh mà vẫn phát huy hiệu quả, tác dụng mới là quan trọng.

Hà Nội với nỗi lo ngập lụt mùa mưa (Kỳ 2): Cần giải pháp đồng bộ để chống ngập - Ảnh 4.

Kèm theo đó là sự đồng bộ

Đúng là phải có được sự lựa chọn phù hợp để phát huy hiệu quả. Sự lựa chọn phù hợp đó đôi khi cũng bắt đầu từ việc khi phát triển hạ tầng đô thị sao cho đồng bộ, tương thích với hạ tầng giao thông?

GS.TS Dương Thanh Lượng: Đúng vậy, với ý kiến của anh, tôi cũng liên tưởng, một số dự án giao thông thì chúng ta tính thường là mặt đường nhưng cống hai bên đường ấy, đôi khi lại tính toán chưa hết. Ví như đường Nguyễn Trãi, đi từ chỗ Cầu Mới mà xuống đến gần địa phận Hà Đông, lúc làm đường tôi cảm thấy hệ thống cống như vậy là hơi nhỏ. Vì nếu tính toán đúng ra cống đấy đường kính phải cỡ 1 - 2 m tùy từng loại nhưng thực tế tôi thấy đường kính nó nhỏ lắm. Có thể là họ tính chưa đủ hoặc họ mới làm tuyến cống tạm giải quyết một phần thôi. 

Giao thông và thoát nước chưa đồng bộ vì thường thường dự án giao thông riêng, dự án thoát nước riêng. Nhưng người làm giao thông hay bất cứ ngành gì phải tuân thủ cái chung. Tức là phải tính cả hệ thống thoát nước khi làm dự án giao thông. Vậy nên chuyện đồng bộ là quan điểm tôi rất thích.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 3: Hà Nội quyết tâm chống ngập với Kế hoạch 166


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước