Chiều 4/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay sau khi có chỉ đạo, sở đã kiểm tra, giám sát việc đóng cửa các cơ sở tôn giáo và di tích trên địa bàn. Sở cũng đề xuất UBND thành phố xem xét cho mở cửa các di tích trên địa bàn thành phố từ ngày 8/3.
Riêng đối với di tích chùa Hương, đơn vị sẽ họp với Ban tôn giáo thành phố và huyện Mỹ Đức để xem xét thời gian đề xuất mở cửa.
Ngoài ra, đại diện Sở văn hóa và Thể thao cũng kiến nghị thành phố cho phép tổ chức một số hoạt động thể thao không tập trung đông người.
Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu (Ảnh: Dân trí)
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận định, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội đã được kiểm soát, nhưng nguy cơ vẫn ở mức cao, nhất là trong thời gian tới, Hà Nội có thể tiếp tục nới lỏng một số biện pháp, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở cửa trở lại.
Liên quan đến đề xuất mở cửa trở lại đối với các di tích, cơ sở tôn giáo, ông Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan căn cứ tình hình dịch của thành phố và tại địa phương, căn cứ vào sự chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn của các cơ sở di tích, tôn giáo để chủ động quyết định thời gian mở cửa trở lại từ ngày 8/3; tuy nhiên, tuyệt đối không tổ chức hoạt động lễ hội.
"Nếu đủ điều kiện, các di tích, tôn giáo có thể mở cửa trở lại từ ngày 8/3 và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP theo phân cấp quản lý. Riêng đối với Chùa Hương, một trong những di tích trọng điểm, thu hút đông đảo người dân và thời gian du xuân trẩy hội kéo dài, cần có văn bản hướng dẫn riêng để bảo đảm yêu cầu trong tổ chức, thực hiện", ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, các điểm di tích, đền chùa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ở thủ đô đóng cửa từ 0h ngày 16/2 để ngăn nguy cơ COVID-19 lây lan. Từ ngày 2/3, thành phố cho phép nhà hàng kinh doanh ăn, uống phục vụ trong nhà được mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo giãn cách một mét với khách, hoặc có tấm chắn giữa chỗ ngồi; khuyến khích bán hàng mang về.
Siết chặt kiểm tra, xử phạt các vi phạm phòng, chống dịch
Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cũng đề nghị các địa phương siết chặt công tác kiểm tra, xử phạt các vi phạm phòng, chống dịch, đặc biệt đối với các quán ăn, cà phê, trà đá vỉa hè, quán karaoke, quán game… tự động mở cửa hoạt động trở lại khi chưa được phép.
Ông Chử Xuân Dũng đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho phép các tuyến xe vận tải hành khách, xe vận tải, xe taxi hoạt động trở lại từ ngày 8/3; đồng ý với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc mở lại các giải đấu thể thao với quy mô phù hợp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, đã 17 ngày, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch lây lan như quản lý cách ly người nhập cảnh; khám sàng lọc tại bệnh viện…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, mặc dù dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ lây lan của dịch vẫn còn ở mức cao, bởi tại Việt Nam vẫn ghi nhận thêm ca mắc mới tại Hải Dương.
Trong thời gian tới, khi các trường đại học, cao đẳng mở cửa trở lại, sinh viên các tỉnh trở lại thành phố học tập nhiều… Vì vậy, song song với việc phát triển kinh tế, các địa phương cần phải triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!