Hải Dương: Di dời hàng trăm hộ dân sống trên thuyền bè, khu tập thể cũ, khu nhà ở nguy hiểm

PV (t/h)-Thứ bảy, ngày 07/09/2024 08:58 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu (áo sẫm màu) kiểm tra khu vực nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy, xã Nam Tân, huyện Nam Sách. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Đến sáng 7/9, toàn bộ các hộ dân sinh sống tại khu thuyền bè, khu tập thể đã xuống cấp, khu nhà ở nguy hiểm, mất an toàn tại TP Hải Dương đã được di dời đến nơi an toàn.

Theo UBND thành phố Hải Dương, hiện toàn thành phố có 926 người đang sinh sống tại khu thuyền bè, khu tập thể đã xuống cấp, khu nhà ở nguy hiểm, mất an toàn. Trong đó, 861 người di chuyển đến nhà người thân để tạm thời tránh bão; 132 người được chính quyền các địa phương bố trí chỗ ở tạm khi di dời.

Trước đó, với diễn biến phức tạp của bão số 3, chính quyền phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương đã vận động 132 hộ dân với 370 nhân khẩu đang ở khu tập thể B2, B3 Bình Minh di chuyển tới nơi an toàn.

Đối với các hộ không tự bố trí được chỗ ở, phường bố trí nơi ở tạm, tránh bão tại khu ký túc xá của trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn. Khu ký túc xá này có 220 giường với đầy đủ chăn đệm, có bếp để nấu ăn. Cơ quan chức năng cũng đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong những ngày di dời để tránh bão.

Tại khu tập thể máy Bơm, phường Nguyễn Trãi có 114 hộ dân với 254 nhân khẩu; trong đó, có 50 hộ với 100 khẩu đang ở dãy nhà nguy hiểm cấp 4 và 64 hộ ở dãy nhà 2,3 tầng.

Đến sáng 7/9, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, di chuyển toàn bộ các hộ dân ở dãy nhà nguy hiểm đến ở nhà người thân và Hội trường của UBND phường Nguyễn Trãi. Đối với những hộ dân ở dãy nhà 2, 3 tầng đã ký cam kết sẵn sàng di chuyển trong vòng 1 tiếng.

Tương tự, đến nay, 13 hộ dân với 36 nhân khẩu ở khu tập thể Máy Xay cũng đã di chuyển đến nhà người thân để tránh, trú bão số 3. Khi di dời, người dân ở các khu tập thể chỉ mang theo những vật dụng cá nhân thiết yếu nhất và đã cam kết chỉ trở lại nhà khi có thông báo an toàn từ phía chính quyền.

Chính quyền địa phương cũng cắt cử lực lượng công an, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ ứng trực để bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản ở nơi ở và nơi đến tạm tránh bão.

Các khu nhà B2, B3, B4 tập thể Bình Minh có mức độ nguy hiểm cấp D (cấp nguy hiểm nhất) cần sớm phá dỡ để bảo đảm an toàn.

Lạng Sơn kiểm soát các điểm xung yếu

Để chủ động ứng phó với bão số 3, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nguy cơ nguy hiểm do mưa lũ, sạt lở đất, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong các ngày 6 và 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện sở, ngành đã chia thành 4 đoàn công tác xuống tất cả các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão và mưa lũ. Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra một số khu vực có nguy cơ cao ngập úng, sạt lở, ngầm tràn, khu vực ven sông, suối, hồ, đập, công trình trọng điểm đang thi công...

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu, các sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão trên tinh thần phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" và theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; không để bị động, bất ngờ. Các địa phương tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở để chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão, đặc biệt là hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ, lụt, sạt lở… Các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác trực trước, trong và sau bão; chủ động sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị, nhân lực kịp thời hỗ trợ người dân.

Các địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát, xem xét mực nước các hồ đập để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn; kiểm tra các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn; bảo đảm giao thông trên các tuyến đường, hướng dẫn, hỗ trợ cho người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập.

Đặc biệt, các địa phương chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm để ứng cứu kịp thời cho người dân trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt. Chính quyền các cấp nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chủ động ứng phó với bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước