Mương Thụy Khuê dài khoảng 3km, phục vụ thoát nước cho 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Nước thải sinh hoạt được xả trực tiếp xuống đây cùng đủ loại rác thải.
Cửa đóng then cài là cách duy nhất mà gia đình ông Ngô Kiến Bảo (quận Tây Hồ, Hà Nội) hạn chế mùi hôi thối nhưng dường như không có tác dụng.
Dự án cải thiện môi trường khu vực mương thoát nước Thụy Khuê đã có hơn 10 năm trước. Đến nay khoảng 80% tuyến mương đã được cống hóa.
Những đoạn chậm trễ thi công trở thành hố rác lộ thiên. Theo đại diện Ban quản lý dự án, nguyên nhân chậm trễ thi công đến từ 8 trường hợp thuộc diện tái định cư trên tuyến chưa thể di dời.
Hà Nội có hơn 200km mương, kênh. Cùng với tốc độ đô thị hóa, nhiều mương nước đang trở thành "điểm đen" về ô nhiễm môi trường. Một số đã cạn nước vì không thể lưu thông. Sống ở giữa lòng Thủ đô nhưng lúc nào bà Nguyễn Thị Tho (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng canh cánh nỗi lo khi mùa mưa tới.
Trung bình mỗi ngày, Hà Nội có khoảng 300.000 m3 nước thải, trong đó 70% chưa được xử lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm tại các mương thoát nước.
Công việc thường xuyên của đơn vị thoát nước là nạo vét bùn đất, trục vớt rác thải để khơi thông dòng chảy, đặc biệt là trong mùa cao điểm mưa đang tới gần. Về lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu đối với các đô thị, khu dân cư mới, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!