Tình hình này được xem là bất thường bởi từ hàng chục năm nay, quản lý, bảo vệ rừng đã đem lại cơ hội việc làm, ổn định cho nhiều người tại các địa phương có rừng. Điều gì đã gây nên sự xáo trộn này?
Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3 (Kon Tum) không điện, không nước và không cả sóng điện thoại. Cả trạm có 6 nhân viên, ngoài trạm trưởng là người có thâm niên và bám trụ lâu nhất, quân số tại đây liên tục biến động.
Các nhân viên khi xin vào làm bảo vệ rừng đã lường trước điều kiện sống thiếu thốn nhưng áp lực trong công việc và nhất là thu nhập không tương xứng với công sức đã khiến họ bỏ việc.
Nhiều tổ, chốt phải tăng gia, sản xuất giữa rừng
Nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc là thực trạng đáng báo động tại các địa phương có rừng trong cả nước. Lương thấp nên nhiều tổ, chốt phải tăng gia, sản xuất giữa rừng. Thiếu thốn là thế nhưng áp lực đối với lực lượng này lại luôn đòi hỏi ở mức cao nhất đã khiến nhiều người không thể bám trụ với nghề.
Nhiều đơn vị đang lúng túng triển khai nhiệm vụ và đã cắt bỏ hầu hết lao động gián tiếp để tập trung lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng nhưng đây cũng chỉ những giải pháp tạm thời. Việc tuyển dụng nhân lực để bổ sung cho số nghỉ việc chưa bao giờ khó khăn như lúc này.
Lâm nghiệp từng là ngành đào tạo trọng điểm ở Tây Nguyên, nay đã thoái trào, số lượng sinh viên theo học ngành Lâm nghiệp rất ít. Đặc biệt, năm 2020 không có học viên nào tham gia học ngành Lâm nghiệp. Và công tác quản lý, bảo vệ rừng vốn đã khó nay càng thêm khó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!