Tại khu vực Tây Nguyên, nơi chiếm diện tích rừng lớn nhất của cả nước, với trên 100 Công ty Lâm nghiệp, Ban Quản lý, Vườn Quốc gia thì việc thiếu hụt lực lượng đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây. Nhiều đơn vị chủ rừng đã cắt bỏ hầu hết lực lượng lao động gián tiếp để tập trung lực lượng cho công tác quản lý, bảo vệ, nhưng đây cũng chỉ những giải pháp tạm thời.
Tại tỉnh Đắk Lắk, một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của cả nước, chỉ trong 2 năm, diện tích rừng đã giảm trên 11 nghìn ha.
Trong 5 năm qua, cơ quan chức năng Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý hơn 6300 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Theo quy định hiện nay, lực lượng chuyên trách của chủ rừng là nòng cốt, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.
Trong điều kiện công tác rất khó khăn, thường xuyên đối mặt hiểm nguy và xung đột mặc dù trách nhiệm như vậy nhưng lương bổng lại thấp, chỉ từ 5 đến 7 triệu/tháng nên lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc rất nhiều.
Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp từng là ngành đào tạo trọng điểm ở Tây Nguyên thì nay đã thoái trào, số lượng sinh viên theo học ngành Lâm nghiệp rất ít. Đặc biệt, năm 2020 không có học viên nào tham gia học ngành lâm nghiệp. Nguồn nhân lực cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thời gian tới được dự báo sẽ thiếu hụt, điều này càng tăng khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng vốn đã khó nay càng thêm khó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!