Hàng loạt sai phạm tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum

Lan Phương, Mạnh Cường, Phùng Sơn-Thứ tư, ngày 21/09/2022 20:24 GMT+7

VTV.vn - Dự án không chỉ khiến 25 ha cây rừng chết mà còn gây ngập úng nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất thải phát sinh chưa được xử lý, ảnh hưởng môi trường sống.

Thủy điện Thượng Kon Tum là một trong số những thủy điện lớn ở Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư khoảng 9.500 tỉ đồng, công suất là 220MW.

Tháng 2/2022, Thanh tra Chính phủ đã kết luận hàng loạt sai phạm liên quan đến tài nguyên, môi trường và bảo vệ rừng tại công trình này. Đến nay, việc khắc phục sai phạm vẫn đang rất chậm trễ trong khi hậu quả đang tác động từng ngày tới môi trường và cuộc sống người dân.

Hàng loạt sai phạm tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 1.

Tại khu vực hồ chứa của thủy điện Thượng Kon Tum, một diện tích lớn cây trồng ven lòng hồ đã chết lá, thảm thực vật biến mất. Số lượng cây chết thậm chí không chỉ nằm trong đất của dự án.

Rất nhiều diện tích cây rừng nằm ngoài diện tích đất của dự án thủy điện Thượng Kon Tum bị chết. Theo Sở NN và PTNT tỉnh, do việc tích nước, vận hành hồ thủy điện Thượng Kon Tum, tổng số cây chết 25,36 ha, trong đó 8 ha rừng phòng hộ.

Hàng loạt sai phạm tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 2.

Hiện cơ quan chức năng đã khởi tố và điều tra vụ tích nước lòng hồ thủy điện khiến 25 ha cây rừng chết, xem có hay không sai sót trong việc đo đạc và xác định diện tích rừng được chuyển đổi mục đích và thu hồi.

Không chỉ làm chết cây rừng, dự án này còn gây ngập úng nhiều diện tích đất nông nghiệp.

Hiện chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đang tiến hành đo đạc để xác định được các thiệt hại về nông lâm nghiệp do dự án gây ra và cam kết sẽ khắc phục.

Hàng loạt sai phạm tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 3.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề còn đang vướng mắc là xử lý đất thải phát sinh trong quá trình thi công. Theo quy định, đất thải phải được thu hồi, xử lý để san trả lại mặt bằng và đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế xử lý số đất thải này.

Đại diện UBND tỉnh Kon Tum thừa nhận, những thiếu sót trên có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Các công trình thủy điện mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương nhưng quá trình triển khai từ các khâu lập dự án, quy hoạch, thẩm định, giám sát, thực hiện đều phải đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, đúng pháp luật. Bởi nếu không, hậu quả sẽ rất khó lường.

Hàng loạt sai phạm tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 4.

Nếu trước năm 2020, ở đây chỉ ghi nhận hơn 30 trận động đất thì từ 2021 - thời điểm thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu vận hành, đến nay, đã ghi nhận 200 trận động đất mới gây lún nứt nhiều nhà dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước