Thông tin trên cập nhật đến ngày 26/1 từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai. Gia súc chết xảy ra ở nhiều địa phương như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên và Nghệ An. Ngoài ra, người dân lo ngại sau đợt rét này, nhiều cây trồng cũng bị chết và héo lá do nền nhiệt xuống thấp.
Tăng cường phòng chống đói, rét cho đàn gia súc
Trước tình hình nền nhiệt tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang ở mức rét hại, nhiều địa phương miền núi đã triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, hạn chế tối đa thiệt hại do giá lạnh gây ra.
Ngoài định lượng thức ăn của ngày thường, trong những ngày vừa qua, gia đình ông Hồ Xuân Thư ở xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, còn bổ sung thêm cám, muối cho đàn vật nuôi. Những ngày rét đậm, gia đình ông không đưa đàn gia súc ra đồng để đảm bảo an toàn.
Đốt lửa sưởi ấm cho trâu. (Ảnh: Dân trí)
Với đặc thù vùng núi cao, mùa đông ở các huyện như Kỳ Sơn, Quế Phong khí hậu lạnh trong đêm có thể xuống đến 4 - 5 độ C kèm theo sương muối dày đặc. Để bảo vệ đàn gia súc trong mùa rét, người dân ở đây cũng đã thực hiện những giải pháp bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, chủ động sửa chữa lại chuồng trại, đưa gia súc về nuôi nhốt khi có đợt rét đậm, rét hại xuất hiện.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có tổng đàn gia súc gần 2 triệu con, 33 triệu con gia cầm. Trong khi nguồn thức ăn gặp nhiều khó khăn, tập quán chăn thả rông vẫn tồn tại ở một số vùng, nguy cơ đàn vật nuôi bị chết do rét và đói là rất cao.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tăng đề kháng cho đàn vật nuôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!