Trần Võ Bảo Khánh (quận 8, TP Hồ Chí Minh) sinh năm 2003, đến năm 2005 thì có những biểu hiện rối loạn không giống như các bạn bình thường khác. Em nhạy cảm hơn, không muốn người khác đụng vào mình, nhiều âm thanh đơn giản cũng trở nên quá ngưỡng với em. Khánh bị rối loạn cảm giác rất nhiều, cầm nắm cũng không chắc, hơn 2 tuổi mà vẫn chỉ biết cười chứ chưa biết nói. Gia đình có đưa em đi thăm khám tại bệnh viện Nhi Đồng nhưng do thời điểm gần 20 năm về trước bệnh tự kỷ không có nhiều và thông tin về bệnh cũng hiếm hoi, lúc đấy không ai dám khẳng định là Khánh bị tự kỷ hết, bác sĩ cũng chỉ cho là còn sớm quá, chưa kết luận được điều gì, phải tới thời điểm trên 5-6 tuổi mới có thể xác nhận. Khánh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong các sinh hoạt đơn giản bình thường, không ngủ trưa và cũng có một số biểu hiện tăng động.
Trần Võ Bảo Khánh say mê với trái bóng tròn trên sân tập
Chị Nhung (47 tuổi, mẹ của Bảo Khánh) chia sẻ: "Mặc dù bác sĩ không có chẩn đoán cụ thể, nhưng con mình, mình làm mẹ nên mình biết, mình thấy con không giống như những đứa trẻ phát triển bình thường khác. Khoảng 3 tuổi thì Khánh có thể nói năng bình thường, nhưng những rối loạn cảm giác thì vẫn còn. Sau khi học 2 năm lớp lá thì bạn vào lớp 1 của trường Nguyễn Thiện Thuật. Trí nhớ bạn rất tốt, đưa ảnh quốc kỳ của nước nào bạn cũng biết hết, vùng nào của nước nào, châu lục nào bạn cũng biết. Ngoài ra Khánh cũng bộc lộ nhiều năng khiếu và đam mê đối với thể thao."
Say mê tập luyện với các thành viên trong lớp học
Khi theo học đến lớp 8 của trường THCS Lê Quý Đôn, thấy con bị bạn bè trêu chọc, bị tổn thương nhiều, chị Nhung rất đau lòng. Sau thời gian dài đắn đo, chị quyết định cho Khánh nghỉ học. Sau đó, chị Nhung cho Khánh tham gia học các lớp kỹ năng và chơi thể thao như bóng rổ, bơi lội, bocce… Gần 2 năm trở lại đây, chị Nhung đưa Khánh tham gia Cộng đồng thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh (số 2 Lê Đại Hành, quận 11).
Cộng đồng thể thao người khuyết tật Việt Nam là doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận được thành lập từ năm 2020 bởi một nhóm các nhà chuyên môn lĩnh vực thể thao khuyết tật, báo chí, y học, giáo dục với mục đích xây dựng và phát triển rộng khắp mạng lưới thể thao cho người khuyết tật.
Chị Trần Mai Thúy Hồng - Quản trị viên Cộng đồng thể thao người khuyết tật Việt Nam, Uỷ viên Hiệp hội Paralympic Việt Nam cho biết: "Hiện cộng đồng có trên 100 em khuyết tật các dạng khác nhau tham gia sinh hoạt. Các bạn được tham gia các giải thi đấu cấp Thành phố và quốc gia hàng năm, đạt nhiều huy chương. Dĩ nhiên, kết quả mong đợi của chúng tôi không biểu hiện ở tấm huy chương mà chính là chất lượng cuộc sống của các em, các em có thể hòa nhập, hội nhập xã hội, cộng đồng để minh chứng giá trị của người khuyết tật với tôn chỉ "Hoà nhập - Bình đẳng và Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật".
Chị Trần Mai Thúy Hồng - Quản trị viên Cộng đồng thể thao người khuyết tật Việt Nam, Uỷ viên Hiệp hội Paralympic Việt Nam
Thấu hiểu tình thương của cha mẹ, Khánh đã nỗ lực rất nhiều để khẳng định giá trị của bản thân. Bằng những cố gắng không ngừng nghỉ, hơn nhiều lần so với các bạn bình thường, Khánh đã phấn đấu và đạt được nhiều thành tích cao trong môn bơi lội, trong đó có huy chương vàng của Cộng đồng thể thao Người khuyết tật và Cộng đồng tự kỷ cùng nhiều huy chương khác. Đặc biệt, dù còn gặp khó khăn trong việc nói chuyện và thể hiện bình thường, Khánh đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc thể hiện bằng câu chữ. Em tự lập tài khoản facebook, chia sẻ nhiều câu chuyện truyền cảm hứng cho đông đảo người xem.
Thời gian đầu, chị Nhung còn phải kiểm soát nhưng sau này, chị đã có thể hoàn toàn yên tâm về những câu chuyện của Khánh. Ngoài ra, em cũng rất có năng khiếu trong hoạt động bình luận thể thao với những đánh giá hết sức hàn lâm, ngoài khả năng của một trẻ tự kỷ, đồng thời có thể thuật lại trận đấu rất chi tiết và rõ ràng, từ phút ghi bàn cho đến kết quả trận đấu. Em cũng đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện các sinh hoạt bình thường, hòa nhập với cộng đồng.
Bảo Khánh đạt rất nhiều thành tích cao trong thi đấu
Chị Nhung chia sẻ thêm, để có được ngày hôm nay là cả một quá trình 17 năm mồ hôi, công sức, tiền bạc. Trong đó, nếu như chị và chồng nổ lực một, thì bản thân Khánh nổ lực gấp mười lần. Hiện Khánh đã có thể tự lên kế hoạch, mục tiêu cho bản thân và xác định cần làm gì để thực hiện mục tiêu đó. Em rất nỗ lực, kiên trì thực hiện công việc đến khi hoàn thành mới thôi dù rất vất vả, rất sợ làm sai, sợ làm người khác thất vọng.
Theo đánh giá của các bác sĩ và gia đình, hiện giờ Khánh đã cải thiện tới 80% tình trạng của bản thân. Nhưng có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất đối với chị Nhung không chỉ là thành tích của con mà còn bởi Khánh đã không còn cảm giác cô độc mà có cơ hội kết bạn, được cộng đồng quan tâm nhiều hơn và có nhiều cơ hội phát triển bản thân.
Chị Trần Mai Thúy Hồng cho biết thêm: "Hiện nay Khánh hòa nhập khá tốt, có thể chia sẻ và hướng dẫn cho các bạn trong cộng đồng. Chúng tôi định hướng và đào tạo Khánh sẽ trở thành "nhân tố lãnh đạo" cho cộng đồng thể thao người khuyết tật".
Trò chuyện với phóng viên, Bảo Khánh chia sẻ, em có ước mơ trở thành huấn luyện viên bơi lội. Ngoài ra, em còn muốn làm bình luận viên thể thao. Em cũng mong mọi người giúp đỡ, quan tâm thể chất và tinh thần hơn, động viên, yêu thương Khánh cũng như những trường hợp kém may mắn hơn, đồng thời, em mong muốn có thể kiếm việc làm để có khả năng tự lo cho cuộc sống, không để bản thân mình trở thành gánh nặng của gia đình hay xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!