Nhìn lại hành trình hồi hương của người Việt trong dịch COVID-19

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/07/2020 13:31 GMT+7

Ảnh: VTVNews

VTV.vn - Từ khi bùng phát dịch COVID-19 ở phạm vi toàn cầu, hơn 50 chuyến bay cứu hộ đã được thực hiện, đưa gần 14.000 công dân Việt Nam có nhu cầu trở về từ nhiều vùng dịch.

Như thông điệp Thủ tướng Chính phủ: "Không để ai bị bỏ lại trong cuộc chiến chống dịch này", gần 14.000 người Việt Nam đã về nước qua các chuyến bay được sắp xếp. Bà con được cách ly an toàn, không phải là rủi ro cho cộng đồng. Hành trình hồi hương của người Việt thực sự có nhu cầu về nước vẫn đang tiếp diễn. 

Cùng chương trình Toàn cảnh thế giới nhìn lại những gì đã làm được và chuẩn bị cho những hành trình hồi hương tiếp theo của người Việt ở nước ngoài với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. 

Toàn cảnh thế giới - 19/7/2020

Nỗ lực đưa công dân Việt Nam trở về

Sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, rạng sáng ngày 10/2 - một ngày khó quên đối với nhiều người Việt Nam, nhất là những người trực tiếp có mặt. Vượt qua khó khăn, nguy hiểm, chuyến bay đầu tiên đưa những công dân Việt Nam trở về từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc. Một minh chứng sâu sắc cho chủ trương "không ai bị bỏ lại phía sau" của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Sau những lo âu, đọng lại là cảm xúc vỡ oà, là thành công của một sứ mệnh mà ai cũng hiểu chẳng cần một lý do.

Nhìn lại hành trình hồi hương của người Việt trong dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Đưa 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán về nước

Người Việt Nam, dù là ở châu Á hay châu Âu, ở phương Đông hay phương Tây, Tổ quốc vẫn luôn giang rộng vòng tay chào đón họ trở về trong lúc họ khó khăn nhất, cần Tổ quốc nhất.

Từ chuyến bay đầu tiên vào tháng 2, hơn 50 chuyến bay cứu trợ đã được thực hiện, từ những nơi xa xôi như Mỹ, Canada cho đến những quốc gia láng giếng như Thái Lan, Trung Quốc, từ những sinh viên, du học sinh ở châu Âu tới những lao động tại Indonesia, Singapore. Đằng sau những chuyến bay đó là sự phối hợp, nỗ lực chung của nhiều lực lượng, từ y tế, ngoại giao, quân đội, hàng không đến cả đóng góp của những tình nguyện viên không thể kể tên. Từ các thủ tục hành chính đến công tác hậu cần, trang thiết bị bảo hộ cho đến phương tiện, cơ sở phục vụ đưa đón, cách ly đều được chuẩn bị một cách chu đáo.

Thời gian tới, các chuyến bay cứu trợ công dân vẫn sẽ tiếp tục được triển khai. Trong đó, 1 chuyến bay sẽ diễn ra ngày 3/8 để đưa 219 công nhân, quản lý người Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước. Điểm đặc biệt là, trong số đó có tới 116 bệnh nhân COVID-19 đang gặp khó khăn cần cứu trợ.

Bảo hộ công dân - Nỗ lực chung của các quốc gia trong thời dịch

Khi COVID-19 bùng phát, mọi đường bay quốc tế bị phong tỏa. Nhiều người bị mắc kẹt ở nước ngoài với nhiều lý do khác nhau. Họ đang "nằm thở" chờ phao cứu sinh, đó là những chuyến bay bảo hộ, đưa công dân về nước.

Liên minh châu Âu (EU) đặt vấn đề bảo hộ công dân là một ưu tiên ngay từ đầu dịch. Những quốc gia thành viên khối đã thu xếp giải quyết đưa được 590 nghìn công dân về nước.

Nhưng với những quốc gia có hàng triệu công dân đang tạm trú ở nước ngoài thì đảm bảo toàn bộ được về nhà êm ấm là một công việc gần như là bất khả thi.

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới. Không có số liệu chính thức là bao nhiêu người đã đăng ký xin hỗ trợ về nước trong dịch nhưng tính riêng trong nhóm đối tượng là tổng số 1,6 triệu du học sinh Trung Quốc, phần lớn đều muốn về nước. Tới tháng 6, nước này mới hồi hương được gần 200 nghìn trong số này.

Ấn Độ cũng đang cho rằng thách thức hiện tại là chưa từng có tiền lệ. Hàng triệu đơn xin chính phủ mở chuyến bay đón về nước tránh dịch. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã triển khai một sứ mệnh có thể nói là phức tạp nhất từ trước tới nay, gọi là Sứ mệnh bảo hộ công dân Vande Bharat, đã thực hiện khoảng 120 chuyến bay. Vande Bharat không hẳn là một chiến dịch sơ tán và tất nhiên, chính phủ Ấn Độ sẽ không thể tài trợ 100%. Nhưng nỗ lực điều phối ở quy mô thế này là chưa từng có tiền lệ.

Nhìn lại hành trình hồi hương của người Việt trong dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Du học sinh Việt Nam trước giờ lên máy bay từ Mỹ về Việt Nam (Ảnh: VTVNews)

Nỗ lực hồi hương đồng bào và bảo hộ công dân của Việt Nam đã được chủ động thực hiện từ rất sớm, ngay trong thời gian đầu bùng dịch ở Trung Quốc, sau đó là từ các vùng dịch khác và hiện vẫn đang được tiếp tục. 

Khác với nhiều nơi, đặc thù trong ứng phó dịch COVID-19 của Việt Nam là thực hiện cách ly và truy vết triệt để các khả năng có thể lây nhiễm. Chính vì vậy, công việc đưa bà con về nước cũng được thực hiện theo các bước, phù hợp khả năng cách ly và đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Hơn 90 ngày liên tiếp Việt Nam đã không có ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, trong khi tình hình dịch tiếp tục phức tạp trên thế giới. Điều này đã củng cố thêm niềm tin của người dân vào cách làm này. 

Chính phủ Việt Nam cam kết, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường chuyến bay đưa người Việt ở nước ngoài thực sự có nhu cầu về nước, trong khả năng cách ly cho phép, thực hiện lời hứa: đồng bào không ai bị bỏ lại.

VTV Đặc biệt - Trở về từ vùng dịch: 'Trong đại dịch, đường về quê hương không đơn giản và dễ dàng' VTV Đặc biệt - Trở về từ vùng dịch: "Trong đại dịch, đường về quê hương không đơn giản và dễ dàng"

VTV.vn - Bộ phim khắc hoạ tâm lý và những khó khăn mà người Việt ở vùng dịch lớn nhất Thế giới đang phải đối mặt cũng như sự mong mỏi, chờ đợi từng ngày để được trở về Tổ quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước