Hé lộ nguyên nhân hàng nghìn xe ô tô xuống cấp tại Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa

Nguyễn Bắc-Thứ ba, ngày 09/04/2024 17:00 GMT+7

VTV.vn - Chủ trương đưa ra thị trường xe ô tô mang thương hiệu VEAM của Tổng Công ty máy động lực, máy nông nghiệp Việt Nam đã bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường.

Năm 2014 là năm đầu tiên thương hiệu xe ô tô gắn logo VEAM xuất hiện hàng tồn với 14 xe. Đến năm 2015, ô tô VEAM tồn 109 xe. Đỉnh điểm năm 2017, ô tô VEAM tồn 1.659 xe. Tính đến hết năm 2018, chỉ tính riêng tổng số lượng ô tô thương hiệu VEAM tồn kho đã lên đến 2.622 xe.

Chất lượng xe mang thương hiệu VEAM

Theo các tài liệu của VEAM, phương thức hợp tác do ông Trần Ngọc Hà (đang chấp hành án tù) chỉ đạo từ khi còn làm giám đốc Nhà máy ô tô VEAM (VM) đã chủ trương đưa ra thị trường xe thương hiệu VEAM. Thực chất xe này được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp chứ không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ. Phương thức này đã dẫn đến VEAM không có đối tác hợp tác về sản xuất sản phẩm. Dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chất lượng của những chiếc xe này khiến nhiều người sử dụng lo ngại.

Trong khi các đối thủ khác như Thaco, Thành Công, Đô Thành, TMT tiêu thụ với sản lượng lớn thì sản lượng của VM khó tăng trưởng, lượng xe tồn kho lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh rất thấp. Trong số 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn kho (giá vốn gốc 966,3 tỷ đồng) thì có 2.221 xe tồn từ năm 2017 trở về trước. Nguy cơ mất vốn lớn đối với số xe tồn không thể tiêu thụ.

Bất thường trong tiêu thụ hàng tồn

Hé lộ nguyên nhân hàng nghìn xe ô tô xuống cấp tại Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa - Ảnh 1.

Bảng số liệu tồn kho của Nhà máy ô tô VEAM qua từng năm

Tính đến tháng 6/2019, theo các số liệu của VEAM, xe tiêu chuẩn khí thải Euro 2 chỉ tiêu thụ được 174 xe trong số 2.549 xe tồn. Theo quy định, năm 2017 là năm cuối cùng xe ô tô có tiêu chuẩn khí thải Euro 2 được phép sản xuất. Việc VM vấn tiếp tục sản xuất để sau đó tồn kho hàng ngàn chiếc xe ô tô có tiêu chuẩn khí thải này được lãnh đạo VEAM thời điểm đó cho là "quyết định không hợp lý". Giá trị thực tế của lô hàng tồn này bắt đầu "tụt dốc không phanh" từ sau năm 2017.

Từ 2019 đến nay, mặc dù trải qua nhiều lần đấu giá và liên tục giảm giá khởi điểm nhưng hàng nghìn chiếc ô tô VEAM hiện vẫn đang tồn kho trong sân bãi của Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa. Đây là hệ quả tất yếu của việc không tính toán được phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả đã diễn ra tại nhà máy ô tô VEAM. Đến tháng 6/2019, lượng ô tô tồn kho lớn dẫn đến nhà máy không còn vốn hoạt động.

Chính sách bán hàng bất hợp lý

Hồi tháng 6/2023, Trần Ngọc Hà - cựu Chủ tịch VEAM lĩnh thêm 3 tháng tù giam vì các sai phạm trong khâu bán hàng. Theo bản án, ông Hà và hai thuộc cấp yêu cầu đối tác muốn bán hàng cho nhà máy ôtô VEAM phải qua khâu trung gian, từ đó giúp công ty sân sau được hưởng chênh lệch.

Theo đó, VM áp dụng chính sách bán hàng vừa trả hoa hồng, vừa bán hàng theo giá bán cao hơn giá trích hoa hồng, làm tăng chi phí, tăng giá bán, khiến sản phẩm kém cạnh tranh về giá, khó tiêu thụ. Giá thực tế của một chiếc xe ô tô VEAM đã bị tăng lên rất nhiều trước khi đến được với tay khách hàng. VM tự ý đặt ra các đại lý cấp 1, đại lý cấp 2 không đúng bản chất và trả hoa hồng cho các đại lý dù không trực tiếp bán hàng là không tuân thủ các quy định đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước như VEAM.

Là đơn vị thành viên sử dụng nhiều vốn nhất của Công ty mẹ VEAM (lên tới 2.643 tỷ đồng – số liệu 2019) nhưng VM lại hoạt động không hiệu quả, nhiều năm thua lỗ tỷ lệ thuận với số xe tồn kho qua từng năm. Quá trình "rót vốn ngàn tỷ, tồn kho ngàn xe ô tô" tại nhà máy ô tô VEAM diễn ra như thế nào, sẽ được tiếp tục thông tin đến độc giả trong bài viết tiếp theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước