Liên tiếp nhiều vụ cháy xảy ra trong thời gian gần đây đã gây nên những hậu quả rất đau lòng. Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong Quý I/2022, cả nước xảy ra hơn 400 vụ cháy nổ, làm 24 người bị chết và 32 người bị thương, với thiệt hại về tài sản lên tới gần 60 tỷ đồng.
Hiện trường vụ cháy tại nhà số 116 B9 khu tập thể Kim Liên, ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Nguy cơ cháy nổ từ những dãy nhà cơi nới
Thiệt hại về của đã đành nhưng thiệt hại về người mới là điều đau xót hơn cả. Không ai muốn mình là nạn nhân. Nhưng đôi khi rủi ro, lại đến từ những điều ít ai ngờ tới.
Cửa chồng cửa, lồng sắt, chuồng cọp… dù có nhiều cái tên nhưng công dụng của những thứ này đa phần chỉ có một là chống trộm.
Cụ Hiểu 80 tuổi, sống ở khu tập thể cũ đã hơn 40 năm. Do diện tích chật chội nên khu vực ban công ngày trước đã được bà cụ cơi nới thành 1 căn phòng.
Động lực sinh tồn khiến bà cụ lạc quan, nghĩ mình có thể thoát thân khi nhảy xuống mái tôn từ một ô nhỏ có độ rộng chỉ 2 gang tay trên tầng 3 của một ngôi nhà tập thể cũ. Nhưng thực tế, khi có đám cháy xảy ra, hậu quả có thể vượt xa những điều mình nghĩ.
Vụ cháy nhà ở khu tập thể Kim Liên (Quận Đống Đa, Hà Nội) đã khiến 5 người đã mất. 2 người may mắn thoát thân qua ô cửa hẹp. Mảnh đất chỉ có 7m2 nên gia đình cứ thế cơi nới để sinh hoạt.
Không tính đến lối thoát, chiếc lồng tưởng như để bảo vệ an toàn nhưng lại mất an toàn, lấy đi "thời gian vàng" vốn được tính bằng phút, bằng giây để cứu người khi có sự cố cháy nổ.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội hiện đã có 2.483 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực. Đáng chú ý, 60% trong số đó là chung cư, nhà tập thể cũ.
Bất cập về cơ sở hạ tầng gây khó khăn cho công tác chữa cháy
Hiểm hoạ không chỉ đến từ những căn nhà cơi nới. Hàng nghìn khu dân cư có ngõ nhỏ sâu vài trăm mét cũng trở thành nguy cơ dẫn đến mất an toàn cháy nổ. Cùng với đó, những bất cập về cơ sở hạ tầng hiện nay cũng đang gây không ít khó khăn cho công tác chữa cháy.
Những con ngõ hẹp, sâu hun hút... được ví von là đặc sản ở thủ đô. Nếu gọi vậy, chắc hẳn đây là thứ đặc sản không ai muốn nếm. Bởi ngoài sự chật chội và bất tiện, ngõ nhỏ còn tiềm ẩn nguy cơ cháy to.
Khó khăn không chỉ có ở những khu dân cư lâu năm. Hạ tầng cho công tác PCCC ở các khu dân cư mới cũng đang tồn tại nhiều bất cập.
Chỉ tính riêng trên địa bàn quận Hoàng Mai, hiện có 16 trụ nước chữa cháy bị hỏng và 20% ao hồ tự nhiên, xe cứu hỏa không thể tiếp cận lấy nước để chữa cháy.
Anh Lê Văn Hùng, Cán bộ đội PCCC quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Xe chữa cháy chỉ có thể tiếp cận được ví trí đường hoặc giáp lề đường thì khoảng cách từ đấy xuống đây là khoảng 20-30 m. Trong khi độ dài đường ống hút của xe chữa cháy chỉ có 8m. Trong chủ trương cũng có đề xuất để xây dựng những bến lấy nước nhưng hiện tại, thực tế cũng chưa có".
Bến lấy nước, nghe có vẻ phức tạp nhưng đó cũng chỉ là một triền dốc được nối thẳng từ lòng hồ đến lòng đường để xe cứu hỏa có thể đỗ sát điểm hút nước. Sau những lần kiến nghị xây dựng không thành, nhiều hồ nước tự nhiên, bất đắc dĩ im lìm với công tác cứu hoả.
Loay hoay xử lý những cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC
Nhiều khó khăn có thể kể đến gây cản trở công tác cứu nạn cứu hộ mỗi khi có hoả hoạn xảy đến, cả yếu tố khách quan, lẫn chủ quan, cả về phía con người và cả cơ sở vật chất.
Khi bàn đến câu chuyện này, có một thực tại khiến chúng ta vẫn có thật nhiều thắc mắc là tại sao nhiều cơ sở vốn dĩ không đủ điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy lại vẫn ngang nhiên tồn tại. Chế tài xử phạt không thiếu nhưng việc cơ quan chức năng sẽ áp dụng cách thức nào thật hiệu quả để đạt được mục tiêu cuối cùng có vẻ vẫn còn là bài toán cần tìm lời giải.
Một khu nhà xưởng thuộc diện phải thẩm duyệt, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng nhưng khi mọi thứ còn chưa được phê duyệt, nhà xưởng vẫn tồn tại hơn 10 năm.
Tại thực địa, bằng trực quan, bình cứu hỏa đã hỏng, không còn sử dụng được nhưng chủ xưởng thà chấp nhận đóng 80 triệu đồng tiền phạt, chứ không chịu đóng xưởng.
Khó hướng dẫn, người dân không chấp hành đã đành nhưng có nơi, chính quyền địa phương lại có sáng kiến lạ trong công tác phòng chống cháy nổ.
Vì phát hiện toà nhà không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, UBND phường Mỹ Đình 2 cứ rào nơi ở của người dân trước khi đưa ra giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, đảm bảo đâu không thấy, người dân chỉ thấy bất tiện và nguy hiểm.
Bức xúc vì bị giam lỏng gần 1 tháng nay, bỗng nhiên, sau 1 đêm, hàng rào chắn đã được cắt tháo vết hàn nhưng đối với người dân, dư âm của sự việc vẫn chưa kết thúc.
Phát huy vai trò của người dân trong phòng cháy, chữa cháy
Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy thời gian qua đã cho thấy những hiệu quả tích cực, nhưng đâu đó vẫn còn những cách thức chưa thật phù hợp, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Xét cho cùng, nước xa không cứu được lửa gần. Sự cẩn trọng đối với công tác phòng cháy ở mỗi gia đình không bao giờ là thừa. Bởi hỏa hoạn luôn tiềm ẩn và phần lớn đều do chính con người gây nên. Ngăn nắp và tuân thủ an toàn phòng cháy, chữa cháy là cách tự cứu mình và đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.
Ngoài cửa chính, nhà ông Trung không còn lối thoát hiểm vì 2 cửa sổ đều bịt kín. Sống ở đây hơn 30 năm, nhưng ông chưa hề nghĩ đến việc nếu có cháy, mình sẽ thoát ra bằng cách nào.
Nguy cơ cháy nổ không chỉ đến từ những khu nhà tập thể cũ cơi nới. Việc sử dụng mặt bằng vừa là nơi để sản xuất, kinh doanh, vừa là nơi để ở cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cũng vì biết lối thoát hiểm là đường sống, nên cách đây chục năm, từ khi xây nhà, ông Hoà ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, đã tự thiết kế 2 lối thoát hiểm trên tầng thượng.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng: "Quan trọng nhất là hiểu biết của người dân về PCCC để tự cứu mình, tự bảo vệ sức khoẻ và tài sản của mình. Thứ hai là không nên chủ quan, luôn luôn phải kiểm tra các thiết bị điện, thiết bị dễ cháy trong nhà. Thứ ba là phải đảm bảo khi xảy cháy có các lối thoát hiểm để chúng ta thoát hiểm".
Hỏa hoạn có thể đến bất kỳ lúc nào, nên phòng ngừa vẫn là chính. Để phát hiện sớm và xử lý hiệu quả các vụ cháy, trước hết phải từ ý thức phòng cháy, chữa cháy của mỗi người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!