Chỉ sau 1 tuần, hơn 100 ca mắc COVID-19 mới đã được phát hiện tại Việt Nam. Giãn cách xã hội lại đành áp dụng ở một số địa phương. COVID-19 cũng đã tước đi sinh mạng của 3 người Việt, vốn đã lớn tuổi với bệnh nền nặng.
Khi COVID-19 không biết đi "nghỉ mát"
Kỳ tích chống dịch COVID-19 ở giai đoạn trước đã giúp nhiều gia đình được quyền háo hức về vài chuyến du lịch nội địa trong mùa hè này. Thế nhưng, nhiều người lại quên mất rằng COVID-19 không biết đi "nghỉ mát". Nó đã lén lút quay trở lại, cũng y như cách của những người vượt biên trái phép.
Ngay lập tức, một trong những bài học thành công của giai đoạn trước lại được áp dụng. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với những quyết sách rất nhanh, không cần loanh quanh theo con đường hành chính thứ bậc. Nhưng ở đâu đó trong xã hội thì mau quên và chủ quan vẫn là một điểm yếu. Với không ít người, ý thức không chuyển biến nhanh như tốc độ của dịch bệnh. Ở hoàn cảnh bất thường, chúng ta lại càng thấy rằng diễn biến tâm lý của con người là thứ phức tạp nhất trên đời.
Ví dụ như hành động của một người đàn ông khi được nhắc nhở đeo khẩu trang trong thang máy tại một chung cư ở TP.HCM. Người đàn ông này dùng lời lẽ khiếm nhã để đáp trả và còn giật tóc rồi lấy bình cồn sát khuẩn cạnh đó để xịt thẳng vào mặt người nhắc nhở mình khiến người này phải nhập viện trong tình trạng bỏng giác mạc và hoảng loạn tâm lý.
Hay tại "tâm dịch" Đà Nẵng vẫn có những người thích trốn cách ly dù họ biết rõ nơi mình từng lưu trú đang là "ổ dịch" lớn nhất hiện tại. Còn có những người vừa nghe đến lệnh giãn cách xã hội thì kéo nhau vượt đèo Hải Vân chạy sang các địa phương khác.
Nhưng bất ngờ nhất là bên cạnh những người cố tình giấu diếm việc mình đã từng đến Đà Nẵng trong thời điểm có dịch để tránh bị xét nghiệm hay cách ly, lại có những người cố tình khai báo giả, nói dối mình từ Đà Nẵng về để được test virus, làm hao tổn vật tư xét nghiệm vốn không dư dả gì.
Tin giả và câu view "tung hoành" thời dịch bệnh
Sự kiên nhẫn đối với việc đeo khẩu trang và rửa tay đã không còn được như trước. Cuộc sống "bình thường mới" nhưng chữ "mới" có vẻ quá ngắn nên dễ quên. Lúc này, dù không muốn nhưng mọi người lại quay trở về thói quen mở điện thoại để cập nhật về dịch bệnh. Cũng như đợt trước, tin giả và câu view lại có đất diễn.
Chủ tài khoản Facebook Hòa Minzy ở TP.HCM và chủ tài khoản Facebook Vương Huyền Túi ở Thừa Thiên-Huế vừa bị cơ quan công an xử phạt 7,5 triệu đồng do đăng lại tin giả được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Một loạt chủ tài khoản facebook khác như Nguyễn Ngọc Thúy làm clip có nội dung kỳ thị người Đà Nẵng hay Facebooker Thảo Silver "Bày cách người dân tự chữa bệnh ở nhà" cũng buộc phải gỡ bài viết và bị xử phạt.
Cơ quan chức năng nhận định, trong trong tháng 3, tháng 4 vừa qua đã xử lý nghiêm 350 trường hợp đăng tin giả nên đợt này, khi tin giả bùng phát lại nhưng mức độ chia sẻ, lan truyền là không lớn. Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, không đăng và chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng.
Chia sẻ cái gì trên mạng xã hội trong thời đại dịch này là một câu hỏi lớn và không hề dễ trả lời. Quyền năng tốt đẹp mà thời đại Internet đã mang đến cũng khiến mỗi người đối mặt trách nhiệm lớn hơn với cộng đồng.
Nhưng dù thế nào thì về mặt vật lý, tay của con người không thể nào nhanh hơn hoạt động của não bộ được. Còn nếu cố tình đảo ngược bản chất vật lý đó, chắc chắn là phải xét đến động cơ, ví dụ như là để bán hàng online đắt khách hơn.
Dịch vụ đưa người nhập cảnh trái phép - "giặc nhà" thời COVID-19
Trục lợi thời dịch bệnh còn nguy hiểm hơn cả ở giai đoạn trước. Không chỉ ở mấy dòng tin giả, mấy thùng khẩu trang tăng giá hay khẩu trang giả…, mà nó có thể còn trực tiếp hơn trong việc kéo dịch bệnh tấn công đồng bào. Nói nôm na khái niệm này là "giặc nhà".
Thời gian qua có nhiều đoạn clip vượt biên vào Việt Nam được đăng công khai trong hội nhóm người Việt tại Trung Quốc. Theo đó, hàng chục người lỉnh kỉnh đồ đạc băng rừng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Có đoạn clip còn đi kèm cam kết giá đưa người từ Quảng Đông, Phúc Kiến Trung Quốc về Việt Nam chỉ dao động trong khoảng 5 - 6 triệu đồng tiền Việt, tránh kiểm dịch và không phải cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.
Các đối tượng nhập cảnh trái phép bị bắt giữ tại Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN.
Trung tá Đỗ Hoài Nam - Đội trưởng Đội an ninh Công an thành phố Lào Cai cho biết: "Với mỗi mắt xích trong đường dây chỉ thu được 2 - 5 triệu đồng/chuyến đi".
Theo cơ quan công an, mỗi khâu vận chuyển trong đường dây xuất nhập cảnh bất hợp pháp là đều hoạt động độc lập, không biết khâu trước đã đi bằng con đường nào. Mọi giao dịch chủ yếu được thực hiện qua mạng xã hội.
Không sợ kẻ thù mạnh, chỉ sợ đồng đội dại
Cái dại của những người dân vùng biên để kẻ xấu lợi dụng cũng là cuộc sống của họ vốn quá khó khăn. 2 triệu hay 5 triệu từ góc nhìn của những người miền xuôi có thể chẳng đáng giá để mạo hiểm vi phạm pháp luật và kéo theo cả nguy cơ dịch bệnh. Nhưng với những người miền cao thì nó vẫn nhiều và nhàn hơn hẳn so với làm ăn chân chính. Chính vì thế mà người vùng biên không chỉ bị lôi kéo vào việc đưa người xuất nhập cảnh trái phép hay tuồn hàng lậu qua biên giới mà họ còn bị lợi dụng để vận chuyển cả ma túy.
Như ở khu biên giới Sơn La, để kéo đồng bào dân tộc vào việc buôn ma túy, các con nghiện cũng chính là người trong thôn. Từ đàn ông đến phụ nữ, mẹ chồng đến con dâu, người lớn đến trẻ nhỏ đều bị lôi kéo vào đường dây phạm pháp. Bởi vậy, nghèo vẫn hoàn nghèo, thậm chí có gia đình mà các thành viên còn thay nhau vào tù ra tội. Mọi nỗi bất hạnh bủa vây những gia đình có người liên quan đến ma túy.
Như trường hợp của Dong, 19 tuổi. Bố mẹ Dong vào tù vì ma túy. Dong phải nuôi 2 em nhưng giờ đây cậu lại phải vào đúng chỗ mà bố mẹ đang ở. Với Dong, nhận thức về sinh mạng thậm chí còn chưa đầy đủ.
- Họ thuê em vận chuyển, bảo sẽ trả công cho em 1 triệu nhưng chưa trả.
- Em có biết em có thể đối diện với mức án như thế nào không?
- Dạ em không ạ.
- Nếu chị nói cho em biết là với số lượng ma tuý lớn như vậy thì mức án cao nhất dành cho em có thể là tử hình, thì em có suy nghĩ gì?
- Dạ em cũng không biết nữa.
- Em có biết thế nào là tử hình không?
- Dạ không ạ.
- Tử hình có nghĩa là mình không còn được sống nữa. Với mức giá chỉ có 1 triệu đồng mà em không thể sống, em không thể chăm sóc 2 người em nữa thì cái giá phải trả có đắt quá không em?
- Dạ có ạ...
Đoạn hội thoại trên đủ cho thấy, với những người khó khăn ở vùng biên giới, nói đến lợi ích hay tính mạng cộng đồng là thứ quá xa xỉ, thậm chí nằm ngoài tầm hiểu biết của họ. 1 triệu đồng 1 sinh mạng - sự trả giá ấy khiến cho việc đánh đổi trở nên quá sức oan nghiệt.
Để đối phó với "kẻ thù" COVID-19 và sống bình an trong trạng thái "bất bình thường cũ", hãy lấy lại những thói quen vốn có. Bởi đeo khẩu trang dù sao vẫn nhẹ hơn đeo máy thở. Ở nhà vẫn sướng hơn ở bệnh viện. Và chắc chắn dù là lũ trẻ thì cũng không muốn rơi vào cái cảnh nghỉ Tết đến sát hè rồi lại phải nghỉ hè đến sát Tết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!