Sẽ có người thắc mắc rằng, những người phá rừng rồi lại trồng lại rừng, ít nhất đã đó là có ý thức "khắc phục hậu quả", nhưng không, một lần nữa, chúng ta lại thấy được rằng "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". "Rừng" bị chặt phá ở đây, là rừng tự nhiên, với những cây hàng chục năm tuổi, trong khi đó, "rừng" được trồng lại, chỉ là rừng cây lâm nghiệp ngắn ngày.
Nói đến "rừng", người ta thường nghĩ đến cảm giác trù phú, bạt ngàn mà nó mang lại, nhưng tìm hiểu sâu vào câu chuyện dưới đây mới thấy, có những thủ đoạn tinh vi đến mức chuyển đổi được từ những lợi ích cho thiên nhiên mà rừng mang lại, thành những lợi ích kinh tế cho bản thân những người thực hiện hành vi đó...
Nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, vườn quốc gia Xuân Sơn là nơi duy nhất trên cả nước có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với hệ động thực vật phong phú. Thế nhưng thời gian gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số đối tượng đã ngang nhiên chặt phá một diện tích lớn gỗ rừng nằm ngay trong vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia. Sự việc xảy ra tại xã Kim Thượng đã để lộ ra những lỗ hổng trong công tác bảo vệ rừng tại địa phương này.
Phá rừng, chấp nhận bị phạt để… được "trồng lại rừng" nhưng...
Từ 3000 m2 rừng đặc dụng, nằm trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia Xuân Sơn, hàng loạt cây gỗ lớn nhỏ bị chặt hạ, nằm chỏng chơ khắp nơi, hầu hết số gỗ này vẫn nằm nguyên tại hiện trường. Theo thống kê của hạt kiểm lâm Xuân Đài, có 44 cây gỗ trung khu vực bị chặt phá, trong đó có nhiều cây có đường kính lớn hơn 45 cm.
Một người phụ nữ thường xuyên lấy củi tại khu vực xóm Hạ Bằng cho biết, khu rừng này bị người dân trong xóm chặt phá vào dịp Tết vừa qua.
Dù khu vực bị chặt phá nằm ngay cạnh nhà dân, trường học và trạm bảo vệ rừng, thế nhưng đáng ngạc nhiên là chỉ đến khi đã chặt hạ gần hết những cây gỗ lớn, sự việc mới được lực lượng kiểm lâm phát hiện. Đối tượng phá rừng được xác định là một người dân trong xã tên Đặng Văn Hùng.
Người này cho biết, vì "được cấp sổ đỏ ở khu vực đấy thì em cứ nghĩ là ông bà canh tác ở đấy rồi thì mình canh tác theo thôi, bây giờ được tuyên truyền mới biết là vi phạm pháp luật".
Khác với các đối tượng lâm tặc phát rừng để lấy gỗ, ở đây người dân phá rừng để lấy đất canh tác. Những cây gỗ lớn mọc ở rừng, nếu để nguyên trên rừng thì chẳng ra tiền, nhưng chặt đi, lấy đất trồng cây lâm nghiệp ngắn ngày thì sẽ thu được 1 khoản tiền không nhỏ. Bởi thế, nhiều người sẵn sàng vi phạm pháp luật để được phạt trồng lại rừng.
Ông Hà Văn Khang - Phó chủ tịch UBND xã Kim Thượng - Huyện Tân Sơn - Phú Thọ cho biết, mục đích của người ta (người phá rừng) là muốn trồng trả lại diện tích người ta đã chặt phá. Tuy nhiên, khi phóng viên Chuyển động 24h đặt câu hỏi rằng: Trồng "trả" rừng khai thác thì có đúng không? Trong khi thứ mà người vi phạm phá đi lại là rừng tự nhiên? Thì câu trả lời nhận được là như thế này:
"Rừng tự nhiên nhưng mà nó manh mún, đâm ra rất khó quản lý"
Ông Hà Văn Khang - Phó chủ tịch UBND xã Kim Thượng - Huyện Tân Sơn - Phú Thọ
Sau khi sự việc xảy ra, đã có hàng loạt cán bộ của vườn quốc gia Xuân Sơn bị xử lý kỷ luật, nhẹ thì kiểm điểm, khiển trách, nặng thì cho nghỉ việc, thế nhưng đối tượng gây ra vụ phá rừng thì lại chưa có hình thức xử phạt nào. Thế nên việc chuyển đổi rừng tự nhiên thành rừng trồng vẫn diễn ra ngang nhiên ngay trong vùng lõi của vườn quốc gia…
Bên dưới những cánh rừng tự nhiên vừa mới bị chặt hạ, người ta đã kịp đào xong hàng trăm hố đất để trồng cây như thế này. Một vài ngày nữa sẽ trồng xuống đây những loại cây lâm nghiệp ngắn ngày như keo, mỡ, bồ đề và thu về 1 khoản lợi nhuận không nhỏ, và để đánh đổi thì người ta sẵn sàng chặt hạ cả cánh rừng hàng chục năm tuổi…
Tinh vi thủ đoạn lấn chiếm đất rừng
Vào năm 2020 tại vườn quốc gia Xuân Sơn cũng xảy ra 1 vụ phá rừng, sau đó cơ quan chức năng xác định thủ phạm là 4 người dân trong xã Kim Thượng. UBND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định xử phạt lên tới gần 500 triệu đồng, thế nhưng đến thời điểm hiện tại cũng chỉ thu được vỏn vẹn gần 10 triệu đồng. Lý do được đưa ra là người dân quá nghèo, chẳng có gì để nộp phạt. Hình thức xử lý chưa triệt để, chưa có tính răn đe càng làm cho một bộ phận người dân sống trong vùng lõi của vườn quốc gia coi thường pháp luật, tiếp tục phá rừng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn…
Thủ phạm tác động vào cây khiến cây bị mối mọt, tự gẫy đổ sau 1 khoảng thời gian
Những cây gỗ như trong hình ảnh trên đây, được phát hiện tại xóm Xoan, một phân khu thuộc vùng lõi của vườn quốc gia Xuân Sơn. Tất cả đều có 1 đặc điểm chung là ĐÃ CHẾT KHÔ, và phần gốc bị chặt bỏ hết lớp vỏ cây. Đây hầu hết là những cây rừng tự nhiên lâu năm, bị người dân cố tình phá hoại, có cây bị bóc hết lớp vỏ sát gốc, cây lại bị chặt cách gốc khoảng 1m. Những vị trí này nhanh chóng bị sâu mọt đục khoét, và cây sẽ tự gẫy đổ sau khoảng 2 năm.
Những cây rừng lâu năm bị cắt vỏ rồi để tự chết đang diễn ra ngày một nhiều trong vườn quốc gia. Chẳng bao lâu nữa sẽ có 1 khoảng đất trống để trồng cây ngắn ngày, thủ đoạn này rất khó để cơ quan chức năng xử lý. Chỉ đi khoảng 2km đường rừng tại khu vực xóm Xoan đã thấy có hàng trăm cây gỗ bị phá hoại như thế này. Theo một người dân trong xóm thì việc đẽo vỏ cây đã diễn ra khoảng 5, 6 năm nay và ngày càng lan rộng ra những cánh rừng xung quanh.
"Ngày xưa chỗ này toàn cây to, giờ chết hết rồi. Năm ngoái người ta làm đấy. Kiểm lâm biết nhưng chẳng làm thế nào được" - một người dân trong xóm chia sẻ.
Hóa ra, người phá cũng chẳng phải ai xa lạ mà là chính người chủ rừng được giao trông giữ mảnh đất đó. Cánh rừng mà một người phụ nữ trên địa bàn, cũng đang trồng sắn - với hơn chục cây gỗ bị đẽo vỏ đã chết khô, không khó để nhận ra ai là người đã triệt hạ sự sống của những cây gỗ rừng.
Theo lý giải của người phụ nữ này, việc chặt cây là để trồng sắn và chăn nuôi lợn gà. Tuy nhiên, người này chỉ nhận "chặt mấy cây to", từ đâu đến đâu, còn chỗ khác "nhà khác nó chặt".
Trong vùng lõi của vườn quốc gia Xuân Sơn hiện có gần 4.000 người dân sinh sống, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Diện tích đất canh tác của người dân xen lẫn với diện tích đất rừng do vườn quốc gia quản lý càng làm tình trạng lấn chiếm đất rừng trở nên phức tạp. Trong khi đó định mức giao khoán bảo vệ rừng lại quá thấp khiến cho người dân chẳng mặn mà gì với việc giữ rừng.
Theo ông Trần Đăng Hùng - Phó giám đốc vườn quốc gia Xuân Sơn, định mức giao khoán hiện tại đang áp dụng tại vườn quốc gia Xuân Sơn là 100.000 đồng/1ha/1 năm, ngoài khoản tiền này ra thì không có khoản hỗ trợ nào khác.
Trên diện tích rừng tự nhiên đã bị đốn hạ, nhiều hố đã được đào sẵn, chỉ chờ để trồng cây lâm nghiệp ngắn ngày, để người dân thu lợi bất chính.
Vài năm trở lại đây, khi nhu cầu sử dụng ván gỗ và các sản phẩm từ gỗ ép, gỗ công nghiệp gia tăng thì ngay cả những vùng rừng xa xôi, được bảo vệ nghiêm ngặt như vườn quốc gia Xuân Sơn cũng dần trở thành vùng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gỗ ép. Các chế độ chính sách, chế tài quản lý chưa phù hợp càng khiến cho người dân coi thường pháp luật để phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép.
Với định mức giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng 100.000 đồng/1ha/1 năm, trong vòng 6 năm, người dân chỉ được nhận 600.000 đồng. Nhưng cũng với thời gian và diện tích đó, để trồng keo hoặc bồ đề thì người dân có thể thu về gần 100 triệu đồng. Chỉ tính riêng xã Kim Thượng đã có gần 4000ha diện tích đất trồng rừng sản xuất nằm trong vườn quốc gia Xuân Sơn. Bài toán kinh tế khiến cho những thủ đoạn phá rừng vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn, trong khi đó cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng chưa tìm ra biện pháp đối phó thích hợp.
Nhìn từ trên cao, những mảng đồi trọc đã được đào hố để trồng cây lâm nghiệp ngắn ngày đang dần lấn sâu vào hơn 11.000 ha khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia Xuân Sơn. Những tán rừng vẫn xanh, nhưng là màu xanh không bền vững, bởi chỉ vài năm nữa những cây gỗ này sẽ bị chặt hạ và trồng mới. Thời gian quay vòng quá ngắn khiến những cánh rừng không thể giữ đất, giữ nước và phát triển hệ sinh thái dưới tán rừng. Hiện UBND tỉnh Phú Thọ đã giao cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm vụ việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!