Việt Nam không phải ngoại lệ, khi nhu cầu phát triển hợp tác, giao thương, du lịch, đào tạo, thăm thân… hai chiều với các nước sau một thời gian dài bị hạn chế vì dịch bệnh, ngày càng nhiều.
Những tháng đầu năm 2021, khi một vị khách nhập cảnh vào Việt Nam bắt đầu trình ra cuốn hộ chiếu đặc biệt - hộ chiếu vaccine, cũng là lúc dư luận trong nước quan tâm nhiều hơn và mong mỏi tấm vé thông hành này sẽ sớm có cơ chế áp dụng.
Nhu cầu sử dụng "hộ chiếu vaccine"
Bác sĩ Calvin Q Trịnh là một trong số những công dân đầu tiên có "hộ chiếu vaccine" về Việt Nam. Chiếc hộ chiếu có phiếu tiêm ngừa đầy đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và được CDC Mỹ xác nhận. Tuy vậy, theo quy định hiện nay, bác sĩ vẫn phải cách ly đầy đủ 14 ngày. Đã tuân thủ quy định cách ly và trở về làm việc nhưng theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, Việt Nam cần sớm áp dụng các cơ chế với người có hộ chiếu vaccine khi nhu cầu giao thương nhập cảnh lớn.
Bác sĩ Calvin Q Trịnh - Việt kiều Mỹ - chia sẻ: "Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần cách ly 14 ngày nhưng sau này tôi nghĩ chúng ta nên có một sự linh động hơn như là chúng ta còn phát triển kinh tế và còn tổ chức SEA Games".
Trong khi đó, thị trường du lịch hiện cũng đã vào mùa sôi động. Theo những người làm du lịch, nếu không nhanh chân, ngành du lịch Việt có thể bị bỏ lại phía sau, bởi đường đua thu hút khách quốc tế từ "hộ chiếu vaccine" đã có nhiều tay đua nhập cuộc.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch - dẫn chứng: "Chúng ta vừa thấy Thái Lan họ vừa áp dụng hộ chiếu vaccine. Thực chất đây là cuộc cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách quốc tế. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị trình những đề xuất để mở cửa trở lại…".
Tuy vậy, an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch sử dụng hộ chiếu vaccine. Do đó, các ý kiến cũng cho rằng cần tính toán kỹ thí điểm trước khi áp dụng đại trà và tăng cường các giải pháp an toàn.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch - có ý kiến: "Chúng ta nên chọn 1-2 địa điểm để triển khai thử hộ chiếu vaccine kết hợp với việc tiêm vaccine cho các cá nhân, tổ chức tham gia phục vụ khách, sau đó có thể mở rộng, có thể thử nghiệm ở sân bay Chu Lai, Nam Hội An…".
Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, chúng ta vừa đeo khẩu trang, vừa tiêm vaccine, cách ly 1 - 3 ngày nữa và đợi âm tính - các bước như vậy là khá an toàn.
Hiện tỷ lệ tiêm ngừa vaccine COVID-19 của Việt Nam đang được đẩy mạnh. Tính toán và thí điểm từng bước "hộ chiếu vaccine" lúc này đang được nhiều ý kiến cho rằng cần sớm được thực hiện.
Việt Nam chuẩn bị triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine"
Trong một cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương hồi trung tuần tháng 3, các bộ, ngành liên quan đã được giao nhiệm vụ xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine.
Như vậy, với Việt Nam, câu chuyện áp dụng hộ chiếu vaccine bây giờ không còn là nên hay không nên nữa, mà là bao giờ triển khai và triển khai như thế nào? Trên thực tế, từ tháng 3, một mặt đẩy nhanh việc tiêm ngừa COVID-19 tại các tỉnh, thành trong cả nước, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các đơn vị triển khai nhiều phần việc để chuẩn bị áp dụng hộ chiếu vaccine. Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận "hộ chiếu vaccine" thông qua mã QR code.
Từ góc độ tiếp cận của ngành y tế, "hộ chiếu vaccine" thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế, cho phép người có "hộ chiếu vaccine" không phải cách ly, xét nghiệm COVID-19.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết: "Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, nhà mạng thông tin, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng từ tháng 4/2021. Về chính sách cụ thể, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài để sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện giao thương, đi lại thuận lợi cho người dân các nước đã được tiêm vaccine phòng COVID-19".
Tại Tập đoàn Viên thông Quân đội Viettel, đơn vị được Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia chỉ định tham gia làm hộ chiếu vaccine. Theo cập nhật mới nhất, hạ tầng kỹ thuật cũng như con người đã được chuẩn bị sẵn sàng. Việc tích hợp thông tin, mẫu của loại hộ chiếu cũng đã xong và chỉ chờ ngày sẵn sàng triển khai.
Hiện, lực lượng nhân sự tham gia làm hộ chiếu vaccine ở 63 tỉnh, thành trên cả nước đã có đủ, thậm chí có thể đi theo tới từng trạm y tế xã; đảm bảo mỗi điểm tiêm đều có nhân sự hướng dẫn, cập nhật số liệu thông tin người tiêm.
Sẵn sàng là thế, tuy nhiên, theo lãnh đạo đơn vị này, vấn đề đáng lo ngại nhất là sự liên thông "hộ chiếu vaccine" giữa các quốc gia.
Ông Lưu Thế Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế số, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel - phân tích: "Thông tin cá nhân, mũi tiêm, giờ tiêm của người nhập cảnh giữa Việt Nam với các nước phải có quy chuẩn chung. Chúng tôi đang đánh giá những yếu tố này hiện là khó nhất".
Sớm vào cuộc vì một tương lai gần có thể áp dụng "hộ chiếu vaccine" nhưng hẳn là vẫn còn rất nhiều vấn đề phát sinh mà Việt Nam cần nghiên cứu, giải quyết. Không chỉ có nỗi lo về khi nào mới có quy chuẩn chung giữa các nước trong việc áp dụng "hộ chiếu vaccine" như trăn trở của ông Lưu Thế Anh mà còn không ít khó khăn vây quanh triển vọng áp dụng "hộ chiếu vaccine" tại Việt Nam như ý kiến của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam. Đó là Việt Nam cần xác định chuẩn bị trước nhiều tình huống để hòa nhập vào lộ trình của hộ chiếu vaccine một cách an toàn mà không phá vỡ rào chắn dịch bệnh.
Các quốc gia trên thế giới triển khai "hộ chiếu vaccine" như thế nào?
Hàng loạt quốc gia trên thế giới đang chuẩn bị gấp rút cho việc hiện thực hóa "hộ chiếu vaccine". Tờ Telegraph của Anh đã lên bài để độc giả tại Anh có thể nghiên cứu 15 điểm đến nước ngoài chấp nhận "hộ chiếu vaccine" với Anh. Trong đó, nổi bật là các nhóm nước đã triển khai "hộ chiếu vaccine" từ đầu năm nay và cả các quốc gia chấp nhận "hộ chiếu vaccine" để kích thích du lịch hè.
Anh David Ross - người dân London, Anh - cho rằng: "Điều này đáng nhẽ phải được làm từ nhiều tháng trước. Chúng ta cần quay trở lại cuộc sống bình thường. Có 'hộ chiếu vaccine' là tin tốt lành".
Nhóm các nước đã chấp nhận "hộ chiếu vaccine" từ đầu năm 2021 bao gồm: Estonia, Romania, Gruzia. 3 quốc gia này đã chấp nhận đón khách quốc tế, có chứng nhận tiêm vaccine ít nhất trong vòng 10 ngày mà không cần thực hiện tự cách ly. Còn nếu những ai mới chỉ tiêm đủ 2 mũi vaccine trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vẫn sẽ phải thực hiện 14 ngày tự cách ly.
Nhóm các quốc gia chấp nhận "hộ chiếu vaccine" nữa là những quốc gia có ngành du lịch phát triển và cần mở cửa đón du khách quốc tế trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế. Cộng hòa Cyprus bắt đầu chấp nhận "hộ chiếu vaccine" từ 1/5 tới và du khách cũng không phải chịu các lệnh hạn chế.
Singapore cũng thông báo nước này sẽ chấp nhận hành khách sử dụng chứng nhận sức khỏe điện tử mang tên "Thẻ thông hành số" (Digital Travel Pass) của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế. Tuy nhiên, với Singapore, thẻ thông hành số này chỉ là để giảm thời gian khai báo, xét nghiệm và làm thủ tục tại cửa khẩu, chứ chưa phải là miễn tự cách ly.
Hy Lạp đã mở hành lang du lịch với Israel và chấp nhận người dân Israel có thẻ thông hành xanh, tương đương "hộ chiếu vaccine", được nhập cảnh. Hay như Thái Lan, dù không phải chấp nhận "hộ chiếu vaccine" đối với du khách quốc tế trên toàn quốc nhưng việc chấp nhận "hộ chiếu vaccine" từ 1/6 với khách tới Phuket cũng là tín hiệu tích cực.
Mặc dù vậy, đến nay, việc triển khai "hộ chiếu vaccine" vẫn chưa thể được toàn diện tại các quốc gia, vì nhiều lý do.
Bà Margaret Harris - Người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới - nhận định: "Vẫn còn rất nhiều nhóm tuổi khác nhau tại các quốc gia chưa được tiêm vaccine. Ví dụ như trẻ em dưới 18 tuổi đa phần chưa được tiêm chủng, hay phụ nữ có thai và cũng còn rất nhiều người chưa được tiếp cận vaccine. Họ vẫn đang chờ đợi cơ hội được tiêm chủng".
Thêm vào đó, "hộ chiếu vaccine" có thể làm nảy sinh vấn đề phân biệt đối xử. Mới nhất, tại Mỹ, bang Florida đã cấm sử dụng "hộ chiếu vaccine" trong phạm vi bang vì lo ngại tạo ra tình trạng bất bình đẳng. Ngoài ra, đến nay, "hộ chiếu vaccine" mới được sử dụng với các quốc gia cũng chấp nhận các loại vaccine giống nhau. Vì thế, để loại hộ chiếu này được trở nên thông dụng thì các quốc gia đều cần phải chấp nhận sử dụng các loại vaccine đang được dùng trên thế giới.
Mặc dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng không phủ nhận "hộ chiếu vaccine" là giải pháp hữu hiệu được nhiều quốc gia công nhận. Đây có thể là bước tiến hợp lý với điều kiện hiệu lực bảo vệ của các loại vaccine được bảo đảm. Với sự nỗ lực của các nhà khoa học, nhà sản xuất trên toàn thế giới để nhân loại sớm có vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian ngắn kỷ lục, chúng ta có thể hi vọng một ngày không xa, trên tay mình sẽ có cuốn hộ chiếu giá trị này để có thể vi vu đi khắp nơi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!