Ninh Thuận, vùng đất thường xuyên đối mặt với tình trạng hạn hán, đang chứng kiến những nỗ lực không ngừng trong việc đưa nước thủy lợi về phục vụ sản xuất. Hồ Sông Cái thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Ninh Thuận với dung tích thiết kế gần 220 triệu mét khối, tương đương tổng dung tích của 22 hồ thủy lợi khác trong tỉnh cộng lại.
Đến thời điểm này, cụm công trình đầu mối hồ Sông Cái, đập dâng và gần 30 km kênh chính cùng các tuyến kênh nhánh cấp 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do hệ thống kênh cấp 2 và cấp 3 chưa được hoàn thiện, người dân đã tự đầu tư đường ống và đăng ký đấu nối để đưa nước về vùng sản xuất, chống hạn.
Ngay giữa mùa hạn, chỉ cần mở van, nước chảy vào ruộng. Ông Katơr Thanh ở thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc đã chủ động đầu tư 150 triệu đồng mua 2.800 mét ống và đăng ký đấu nối với hệ thống kênh cấp 1 của thủy lợi Tân Mỹ. Đây cũng là vụ Hè - Thu đầu tiên ông Thanh đưa cả 6 ha đất vào sản xuất.
Nhiều hộ dân khác cũng đã nhận thấy lợi ích từ nguồn nước của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tự đào ao, cải tạo những vùng đất hoang hóa, đầu tư đường ống và đăng ký đấu nối nguồn nước. Những hộ có vốn thì tự đầu tư riêng, trong khi những hộ ít vốn hơn thì chung nhau đầu tư đường ống để kéo nước về ao dự trữ phục vụ sản xuất và chăn nuôi.
Hiện tại, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ mới cơ bản hoàn thành việc đầu tư hệ thống kênh chính dài gần 30 km và 16 tuyến kênh cấp 1. Hệ thống kênh dẫn nước cấp 2 và cấp 3 vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, cho biết để phát huy hiệu quả của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, trong tương lai gần, gần 440 tuyến kênh cấp 2 và cấp 3 sẽ được đầu tư. Trước mắt, việc người dân tự bỏ tiền đầu tư đường ống để đưa nước về vùng sản xuất là cách giúp họ ổn định sản xuất ngay trong mùa nắng hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!