Hỗ trợ giảm nghèo hướng tới từng đối tượng

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 05/12/2022 18:35 GMT+7

VTV.vn - Cho cần câu thay vì cho con cá là cách giúp người nghèo vươn lên tự chủ cuộc sống của họ. Thực tế đã chứng minh, nhiều người đã thoát nghèo từ sự chung tay của cộng đồng.

Những năm qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Nhưng số hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn khoảng 2,4 triệu hộ, chiếm khoảng 9% số hộ dân trong cả nước, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo.

Người dân khu vực miền núi vốn đã chịu nhiều thiệt thòi do giao thông không thuận lợi, cơ sở hạ tầng chưa phát triển và thiếu thông tin. Để xóa nghèo ở vùng này, ngoài các chính sách hỗ trợ chung của nhà nước, còn cần sự quan tâm sát sao tới từng hoàn cảnh để giúp bà con tìm hướng thoát nghèo hiệu quả.

Tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên

Từ những cây quế giống được tặng ban đầu, sau 5-7 năm, gia đình chị Yến sẽ có thu nhập một vài triệu đồng. Dưới tán rừng, chị còn tận dụng thả gà và trồng cỏ xung quanh nuôi bò để trang trải sinh hoạt hàng ngày của gia đình.

Hỗ trợ giảm nghèo hướng tới từng đối tượng - Ảnh 1.

Anh Dũng chồng chị Yến là người khuyết tật được xã tặng cây cảnh để chăm sóc và bán lấy tiền phụ giúp vợ con. Chiếc xe hàng ngày con chị đi học cũng do trung tâm công tác xã hội tặng khi thấy cháu phải đi bộ khá xa đến trường.

Cháu Nhung đang học cấp 3, có mẹ không được nhanh nhẹn, bà ngoại già yếu, kinh tế gia đình khó khăn. Trung tâm công tác xã hội tỉnh đã vận động các nhà tài trợ mỗi tháng hỗ trợ cháu 500.000 đồng. Mẹ cháu cũng được xã sắp xếp làm lao công tại trường học để gia đình có điều kiện sống tốt hơn.

Hỗ trợ giảm nghèo hướng tới từng đối tượng - Ảnh 2.

Tại xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, nhân viên công tác xã hội nắm rõ hoàn cảnh của từng hộ nghèo và có phương án giúp đỡ cụ thể. Sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng với sự tích cực hoạt động của nhân viên trung tâm công tác xã hội đã phát huy hiệu quả giúp bà con ở các vùng khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Chỉ riêng trong 2 năm qua, ở xã này, có hơn 10 hộ nghèo được giúp đỡ cải thiện kinh tế, 3 ngôi nhà cho người yếu thế được xây dựng. Hoạt động của trung tâm công tác xã hội đã góp phần không nhỏ vào những kết quả này.

Thúc đẩy hỗ trợ giảm nghèo

Mỗi vùng đều có những lợi thế riêng do tự nhiên mang lại, nếu biết khai thác sẽ mang lại nguồn thu nhập cho người dân bản địa. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần có sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền và các đoàn hội ở địa phương.

Cách tiếp cận giảm nghèo giờ đây cũng cần phải thay đổi. Đại diện các cơ quan chức năng mà nhóm phóng viên VTV tiếp cận đều có chung quan điểm cần có sự chung tay, giúp người nghèo được kết nối với những sự hỗ trợ phù hợp.

Giúp người nghèo tự vươn lên

Không để ai bị bỏ lại phía sau là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Giờ đây, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích mở ra tại các vùng nghèo để tạo việc làm và thay đổi cuộc sống cho người dân địa phương.

Trên thực tế, dù nghèo, dù bệnh tật nhưng nhiều người vẫn mong muốn tìm được kế sinh nhai để tự vươn lên chứ không trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của xã hội. Điều này sẽ giúp giảm nghèo bền vững nên vai trò của các tổ chức hỗ trợ người nghèo càng cần được nâng cao.

Bố mắc căn bệnh xã hội phải điều trị dài ngày, mẹ đi làm ăn xa, em Trương Đại Thắng (thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đang học cấp 2 phải lo việc nhà, chăm ông nội, bố và em nhỏ đang học mẫu giáo, gia cảnh khó khăn.

Trước mắt, chính quyền xã phối hợp với trung tâm công tác xã hội tỉnh trợ cấp xã hội cho gia đình em. Ngoài số tiền trợ cấp theo quy định, mỗi tháng 2 anh em Thắng còn được các nhà tài trợ hỗ trợ thêm 500.000 đồng.

Hỗ trợ giảm nghèo hướng tới từng đối tượng - Ảnh 3.

Về lâu dài, Trung tâm công tác xã hội có kế hoạch giúp Thắng học tập hết cấp 2, nếu em không tiếp tục học nữa thì sẽ hỗ trợ em học nghề và tìm việc lo cho gia đình.

Trở về nhà sau một thời gian điều trị, bệnh lao của chị Ngọc (ở Xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) tái phát và con gái đang học lớp 8 cũng mắc bệnh. Chị được phát thuốc miễn phí nhưng sức khỏe giảm sút không đi làm xa nhà được, thu nhập không có trong lúc lại cần tiền để bồi bổ cơ thể chống chọi với bệnh tật

May mắn là chị được chính quyền hỗ trợ 5 triệu đồng và được vay vốn 2 lần với gần 100 triệu để cải tạo nhà cửa và chăn nuôi gà. Thu nhập từ việc này tuy không cao nhưng cũng giúp chị và gia đình vững tâm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Cho cần câu thay vì cho con cá là cách giúp người nghèo vươn lên tự chủ cuộc sống của họ. Thực tế đã chứng minh, nhiều người đã thoát nghèo từ sự chung tay của cộng đồng.

Ý chí thoát nghèo của những gia đình khó khăn vẫn là điều căn bản nhất, cùng bàn tay giúp đỡ của địa phương cùng nhiều phía, cánh cửa thoát nghèo vẫn luôn rộng mở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước