Cứ mỗi phút trôi qua, thế giới mất đi một khu rừng, có diện tích bằng 10 sân bóng đá. Nạn phá rừng mỗi năm khiến thế giới mất 13 triệu hecta rừng, tương đương diện tích của cả 1 quốc gia như Bồ Đào Nha. Điều này làm tăng 6 tỷ tấn CO2/năm - gấp 3,6 lần lượng khí thải của các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp tại EU trong năm 2010.
Vừa qua, 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua đạo luật Cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan đến hoạt động phá rừng. Đây là quyết định nhằm chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp, trong đó có cả việc phá rừng để có thêm đất trồng trọt hay chăn nuôi.
Theo ngành lâm nghiệp, quy định của EU là cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần bởi quy định áp dụng cho các sản phẩm sản xuất sau tháng 12 năm 2020, trong khi Việt Nam đã thực hiện đóng cửa, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2014.
Tuy nhiên, hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 2 triệu m3 gỗ tròn và xẻ. 40% trong số này là các loại gỗ quý từ rừng tự nhiên như Lim, Hương… để tạo ra các sản phẩm như bàn, ghế phong cách truyền thống. Do vậy, chuyển đổi nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề sang các loại gỗ rừng trồng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng không chỉ giúp ngành gỗ phát triển bền vững mà còn đảm bảo sinh kế cho các làng nghề gỗ.
Nếu như sản phẩm từ gỗ rừng tự nhiên chủ yếu được đục, đẽo thủ công, cần sự khéo léo và chi tiết chạm trổ thì đồ gỗ từ rừng trồng lại cần tẩm, sấy bằng máy móc và sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn nên sẽ bền, đẹp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ tại làng nghề vốn quen hoạt động quy mô nhỏ lẻ do đó cần mở rộng quy mô sản xuất.
Để hỗ trợ làng nghề chuyển đổi, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã có những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ dân tại làng nghề để doanh nghiệp hướng dẫn hộ dân sử dụng máy móc, thiết bị, chế biến sản phẩm từ nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước. Ngoài ra, nhiều giải pháp tạo thị trường đầu ra cũng được tính đến.
Nghị định 102 của Chính phủ quy định gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu là gỗ rủi ro về mặt pháp lý, ngành lâm nghiệp thời gian tới phải tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn gốc gỗ, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp mới tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và xuất khẩu.
Quy định mới của EU thực chất muốn dùng động lực thị trường thúc đẩy cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp có trách nhiệm hơn để góp phần giảm mất rừng và suy thoái rừng. Việc tham gia thương mại xanh không chỉ đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, hình ảnh về một nền sản xuất xanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!