Ngày 7/9, Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình đã có báo cáo nhanh số 109/BC-SNN về tình hình thiên tai và thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Mưa lớn kèm giông lốc đã làm hư hỏng về nhà ở cho 178 hộ dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong đó, tại huyện Tân Lạc 54 hộ, huyện Lương Sơn 3 hộ, huyện Lạc Sơn 12 hộ, huyện Đà Bắc 19 hộ, huyện Kim Bôi 2 hộ, huyện Lạc Sơn 10 hộ, thành phố Hòa Bình 1 hộ, huyện Cao Phong 70 hộ.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết, vào khoảng h5 ngày 8/9, tại xóm Chầm, xã Tân Minh đã xảy ra sạt lở đất từ trên đồi vào nhà của gia đình ông Xa Văn Sộm (SN 1973) làm ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Khi đó, trong nhà có 5 người và đã bị vùi lấp. Qua xác minh, 4 người trong gia đình đã thiệt mạng và 1 người bị thương là ông Xa Văn Sộm.
Nhiều ngôi nhà bị bão tàn phá
Do ảnh hưởng của mưa bão đã gây thiệt hại gần 750ha lúa, hoa màu và nhiều cây trồng khác của người dân, trong đó, huyện Tân Lạc thiệt hại 23,3ha, huyện Lương Sơn 349,5ha, huyện Lạc Thủy 125ha, huyện Kim Bôi 25ha, huyện Cao Phong 196ha.
Bên cạnh đó, mưa lớn làm sạt lở đất tại km5+100; Km6+900; Km6+320;Km5+800 đường tỉnh lộ 433 thuộc địa phận xã Hòa Bình, thành Phố Hòa Bình. Sạt lở taluy âm đoạn, xóm Um khoảng 7m dài. Lún đường xóm Mới - xóm Quà khoảng 40m dài, xóm Đảy - xóm Quà khoảng 50m dài thuộc xã Thạch Yên...
Hiện, các địa phương hiện tại đang tập trung ứng phó và khắc phục tạm thời các thiệt hại, như hỗ trợ gia đình di dời đến nhà người thân để tạm trú, dọn dẹp cây gãy đổ...
Những gốc cây to cũng bị bão quật đổ
Để triển khai các nhiệm vụ cấp bách trong trong thời gian bão số 3 đổ bộ, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu các địa phương khẩn trương đình hoãn các cuộc họp không thật cần thiết, cấp bách, trừ các cuộc họp liên quan đến phòng chống cơn bão số 3; dừng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí, hội hè, hoạt động đông người trên địa bàn.
Tuyên truyền khuyến khích người dân không tham gia giao thông, ra đường khi có mưa lớn, dông lốc, ngập lụt; đồng thời tuyên truyền cho người dân tại những nơi nguy hiểm như sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét chủ động di dời người và vật dụng thiết yếu đến nơi an toàn trước 8h ngày 07/9, các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo cưỡng chế nếu người dân không di dời.
Đường giao thông bị chia cắt bởi những thân cây to
Đồng thời, chỉ đạo chính quyền cơ sở phối hợp tuyên truyền giúp đỡ các hộ có nhà không kiên cố, các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông, suối, lòng hồ chằng chống lồng bè, nhà cửa, di chuyển lồng bè vào các nơi an toàn; các phương tiện thủy trên lòng hồ tổ chức đưa khách du lịch vào các điểm an toàn đảm bảo không để trường hợp thương vong đáng tiếc xảy ra.
Triển khai lực lượng đặc biệt là lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, ngầm, tràn, cầu có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức khơi thông dòng chảy, các vị trí nguy cơ bị tắc nghẽn, trực hướng dẫn, nghiêm cấm đi qua các khu vực nguy hiểm như ngầm, tràn, sạt lở đường....
Một số hình ảnh cơn bão Yagi để lại hậu quả nặng nề tại Hòa Bình:
Lực lượng chức năng căng mình ứng phó với cơn bão số 3
Tấm biển có cột sắt kiên cố cũng bị đổ gãy
Xe cẩu được điều đến cứu hộ
Xuyên đêm khắc phục hậu quả cơn bão
Ngôi nhà bê tông cũng bị đổ sập
Hậu quả để lại là rất lớn
Nhiều tuyến đường bị chia cắt
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!