Hơn 1 năm nay từ khi dịch bệnh bùng phát, ngoài khái niệm ý thức cộng đồng về việc gìn giữ môi trường, chia sẻ trong lúc khó khăn, xây dựng đời sống văn hóa văn minh thì một khái niệm nữa được nhắc đến nhiều hơn là ý thức phòng dịch.
Lúc này, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại hàng chục địa phương, dù cấp độ phòng chống dịch trong cộng đồng, từ các gia đình, tổ chức, cá nhân mỗi nơi mỗi khác những có thể thấy tinh thần chung là đang ở mức cao hơn, thận trọng hơn.
Mỗi xã, phường, thôn xóm đang dần dần trở thành một pháo đài khi người người nhà nhà tuân thủ Khuyến cáo 5K. Nhiều tổ tự quản phòng chống dịch COVID-19 được thành lập... Những hi sinh nhỏ nhưng mang lại sức lan tỏa lớn lao
Ý thức phòng dịch của người dân được nâng cao
Không cần đợi tới khi có quy định đóng cửa giãn cách, gia đình anh Hòa, chị Hương đã chủ động ngừng kinh doanh nhà hàng của mình ngay từ 1/5 để góp phần giảm tụ tập đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch. Sự bận rộn thường thấy của một nhà hàng đông khách, giờ thay bằng những buổi trao tặng khẩu trang cho các bệnh viện và một số phường quận, khu dân cư, chung tay cùng chính quyền trong phòng dịch.
Khu vực hồ Thành Công, Ba Đình, ngoài lực lượng chức năng và một hai lao công dọn vệ sinh thì không một bóng người. Tình trạng người dân vượt rào vào tập thể dục đã chấm dứt hoàn toàn nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền. 70 tổ COVID-19 với hơn 200 thành viên liên tục giám sát, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, giờ đây, ý thức phòng dịch của người dân đã được nâng lên rõ rệt.
Chung tay trong cuộc chiến chống dịch, không người dân nào đứng ngoài cuộc. Một cặp đôi ở Can Lộc, Hà Tĩnh sát ngày hoãn cưới để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh đã được bà con thôn xóm ủng hộ bằng việc mua lại hết 150 mâm cỗ gia đình đã chuẩn bị. Tình làng nghĩa xóm, tinh thần đồng lòng chống dịch đã lan tỏa theo cách giản dị, mà thiết thực như thế .
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: "Sự quyết tâm đồng lòng của người dân sẽ tạo ra chiến thắng cho cuộc chiến này. Còn sự lơ là, thiếu trách nhiệm của một ai đó sẽ gây ra tác hại khôn lường. Không chỉ ý thức về nghĩa vụ của mình, mà còn phải ý thức về trách nhiệm đạo đức đối với chính mình, với cộng đồng và với toàn xã hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, mỗi tỉnh, mỗi huyện, mỗi xã phải là một pháo đài và người dân chính là chiến sĩ trên mặt trận ấy".
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, con số cài đặt ứng dụng Bluezone đã tăng thêm khoảng 10 triệu so với đợt dịch thứ hai, nâng tổng số người cài đặt lên 32 triệu lượt. Trên khắp đất nước, từ cá nhân, doanh nghiệp đến các đơn vị, cơ quan, những chuyến ủng hộ thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho các điểm cách ly đã liên tục lan tỏa đi thông điệp đồng lòng chống dịch. Ý thức công dân, trách nhiệm cộng đồng sẽ làm nên sức mạnh lớn để dịch bệnh sớm bị đẩy lùi.
Những ngày đầu khi đợt dịch này bùng phát, người dân chưa hiểu hết mức độ lây lan,và sự nguy hiểm của những biến thể mới nên vẫn còn tâm lý chủ quan. Nhưng những ngày này mọi chuyện đang dần khác đi, trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội, ta thấy những khẩu hiệu, hình nền với thông điệp 5K, 7K, thậm chí cả 9K, kêu gọi mọi người luôn đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người và khai báo y tế đầy đủ...
Tỷ lệ khai báo y tế toàn dân, cài đặt Bluezone tăng rõ rệt cho thấy ý thức phòng dịch đang được chấn chỉnh lại như những ngày đầu dịch mới xuất hiện. Một trong những biện pháp hữu hiệu được áp dụng và trở thành thói quen mỗi lần dịch bùng phát đó là tăng cường các hoạt động trực tuyến
Tăng cường hoạt động trực tuyến phòng chống dịch
Tuần qua, cửa hàng của chị Minh Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) đã chuyển sang trạng thái bán hàng trực tuyến. Dù không phải đóng cửa hoàn toàn nhưng đã chủ động việc bán hàng mang đi, qua ứng dụng, hạn chế khách tại chỗ, giảm phân nửa nhân viên. Tuân thủ 5K theo khuyến cáo và sẵn sàng đóng cửa khi tình hình phức tạp.
Ứng dụng công nghệ cho các hình thức học tập và làm việc đã quen thuộc với người trẻ, đây cũng là cách để cuộc sống thường nhật không bị gián đoạn, đặc biệt trong bối cảnh các trường học buộc đóng cửa phòng chống dịch.
Câu lạc bộ yoga cũng đã chuyển sang dạy hoàn toàn qua mạng, trên các nền tảng mạng xã hội sau khi đóng cửa phòng dịch, đảm bảo trạng thái bình thường cho cả giáo viên và học viên. Giờ giấc linh hoạt theo nhu cầu, bằng cách này việc tập luyện chăm sóc sức khỏe vẫn được duy trì
Những con phố tấp nập nay thưa vãn hơn giờ cao điểm. Việc học và làm việc trực tuyến, giải trí trực tuyến, mua bán trực tuyến... các nhu cầu đều có thể thực hiện, đảm bảo an toàn cho cá nhân, trách nhiệm với cộng đồng. Tăng cường trạng thái này trong xã hội giúp giảm tải các điểm công cộng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Giờ này mọi năm, học sinh và trẻ nhỏ đang tất bật luyện thi rồi háo hức đón hè, năm nay lại tiếp tục cảnh học trực tuyến, luyện thi trực tuyến. Nhiều hoạt động vui chơi của con trẻ phải tạm dừng khi mọi sinh hoạt gần như trọn gói trong những ngôi nhà. Thế nhưng, được ở nhà nhiều có khi lại là cơ hội hiếm hoi với nhiều em. Không ít gia đình coi đây là khoảng thời gian quý giá bởi sự trải nghiệm mới mẻ và có sự tương tác nhiều hơn giữa các thành viên trong gia đình.
Ở nhà vẫn vui
Mùa dịch, rất nhiều gia đình cảm thấy lo lắng khi con cái phải nghỉ học. Để các con không quá sa đà vào những hình thức giải trí trực tuyến, trong những ngày nghỉ nhiều người đã cùng các con tham gia nhiều hoạt động giải trí bổ ích.
"Ngoài thời gian học online theo lịch của nhà trường, chúng tôi khuyến khích các cháu tham gia các hoạt động ngoài trời như là đạp xe đạp, trượt patin, cầu lông. Các cháu cũng dành nhiều thời gian hơn để đọc sách, giúp đỡ ông bà bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cối. Đây cũng là dịp để các cháu gần gũi với bố mẹ ông bà nhiều hơn", anh Hoàng Văn Phát, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.
Ở nhà phòng dịch nhưng không có nghĩa là buồn chán. Vào bếp phụ vợ nấu nướng. Vườn cây nhỏ trở thành nơi gửi gắm niềm vui, thay cho thói quen chụp ảnh phố phường hàng ngày của ông Bình Con gái ông thậm chí còn kiêm luôn cả vai trò spa cho thú cưng. Nhịp sống thời COVID-19 của gia đình ưa dịch chuyển này hóa ra không nhàm chán như họ tưởng.
Ông Hoàng Văn Bình, phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cho hay: "Mình đành phải gác lại mọi thú vui, mọi dự định của hội hè, của các nhóm nhiếp ảnh đi sáng tác. Chỉ đành là tìm thú vui loanh quanh nhà, chăm cây cảnh, cắt tỉa cây hoa, mong cho mọi sự bình yên quay trở lại"
Thay đổi để thích nghi, gia đình trở nên ấm áp, gắn kết hơn bằng những niềm vui giản dị. Hạnh phúc là sự bình yên dưới mỗi mái nhà....
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!