Việc thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước", với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội trên cả nước đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới.
Tại cuộc tọa đàm "Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 18/2, các nhà quản lý, chuyên gia y tế thống nhất quan điểm: Để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi giống như "mảnh ghép" cuối cùng, rất quan trọng.
Thông tin từ Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương về tình hình triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 12 cho đến dưới 18 tuổi cho biết, nước ta ghi nhận số liệu tiêm chủng rất an toàn, chỉ có 0,5%-10% các cháu được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường. Nếu so sánh với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhà sản xuất, phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam nhẹ nhàng hơn so với số liệu đã từng ghi nhận.
PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định: "Số mũi tiêm của chúng ta đã đạt tới 17 triệu, trong đó mũi tiêm thứ nhất cho trẻ 12-17 tuổi đã đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai đã đạt được 94,6%. Việc này chứng tỏ kết quả tổ chức tiêm chủng rất an toàn và tính lan tỏa sự chấp nhận của cha mẹ rất cao nên đã đạt được tỉ lệ rất tốt".
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Vaccine là vũ khí để chiến thắng trong cuộc chiến COVID-19. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 7/2021, điều trị hơn 2.000 ca COVID-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp. Sau tiêm cho trẻ 12-18 tuổi từ tháng 11/2021, số nhập viện giảm hẳn. Cụ thể, tháng 11/2021 có 163 trường hợp các cháu nhập viện; tháng 12/2021 có 150 trường hợp. Đến tháng 1/2022 chỉ có 75 trường hợp".
Tuy nhiên, lưu ý một vấn đề là thời gian vừa qua, trẻ em dưới 18 tuổi mắc chiếm 19,3%, trong đó nổi cộm lên là lứa tuổi 5-11 chiếm đến 8%, đây là nhóm chưa được tiêm chủng.
Qua các số liệu có sức thuyết phục rất cao về so sánh giữa tỷ lệ được tiêm và không được tiêm, tỷ lệ nhập viện, mức độ nặng, các nhà quản lý, các chuyên gia y tế, các nhà quản lý thống nhất nhận định tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi một vấn đề rất hệ trọng, cần thiết không chỉ cho các em mà cho cả tương lai của đất nước.
Chuyên gia Hồ Sỹ Dũng cho rằng: "Chính phủ quyết định mua hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em 5-12 tuổi là một phản ứng chính sách rất sáng suốt và kịp thời. Sắp tới, việc tiêm chủng cho trên 10 triệu trẻ em Việt Nam là mảnh ghép cuối cùng để chúng ta thực sự có miễn dịch cộng đồng để trở lại cuộc sống bình thường mới và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển".
PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Thời gian qua, chúng ta tiêm cho người lớn và trẻ em 12-17 tuổi đều an toàn. Với nhóm trẻ ít tuổi hơn, có sự đặc biệt hơn về thể chất, về tinh thần, sự lo ngại của cha mẹ cũng nhiều hơn nên cần phải quan tâm. Nhưng với loại vaccine như vậy, chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn được tốt cho các ông bố, bà mẹ và cũng chỉ định được vaccine này cho trẻ em. Sự an toàn của loại vaccine này cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Hoa Kỳ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vaccine cũng đã cấp phép khẩn cấp vaccine cho nhóm tuổi này. Đã có 60 nước chỉ định vaccine này cho trẻ em".
Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia y tế khuyến cáo đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine COVID-19 là việc hết sức cần thiết để chủ động phòng chống bệnh, có nhiều lợi ích hơn là nguy cơ và rủi ro. Tiêm chủng chính là quyền của trẻ em.
Công tác tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ được tiếp tục triển khai an toàn, chu đáo từ bài học kinh nghiệm của các đợt tiêm chủng trước. Có sự chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự đồng thuận của toàn xã hội và các gia đình, một lần nữa, ngành y tế sẽ tiếp tục "vững tay" để có được chiến dịch tiêm chủng thành công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!