"Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp...
Bạn mình!"
Một bài thơ của tác giả Hải Như nhưng đã nói lên tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh: luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân, đặt cái chung lên trên cái riêng, làm sao để cả tập thể cùng phát triển.
Học Bác, ngành Giáo dục Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để thúc đẩy chất lượng dạy và học. Ngành Giáo dục Hà Nội thực hiện phong trào: Nhà trường chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm. Các trường nội thành cử giáo viên giỏi về các trường ở ngoại thành để nâng cao chất lượng dạy và học.
Hơn 1 năm nay, cô giáo Ngọc Anh dành ra 2 ngày trong tuần để về ngoại thành dạy học. Cô là giáo viên giỏi của trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình - nơi đứng nhất nhì Thủ đô về chất lượng giáo dục. Trường Tiểu học Khánh Thượng, huyện Ba Vì mà cô đến giúp đỡ còn rất nhiều khó khăn. Cô Ngọc Anh chấp nhận vất vả để học sinh và đồng nghiệp của mình ở vùng khó tiếp cận với giáo dục chất lượng.
Tại Trường Khánh Thượng, các thầy cô đã thấm nhuần một câu nói của Bác Hồ: "Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập".
Với tinh thần cầu thị, nên các trường trong toàn thành phố Hà Nội đã giúp nhau theo nhiều hình thức. Trường THPT Việt Đức có các tiết dạy trực tuyến cho giáo viên của Trường THPT Trung Giã. Ngoài cử giáo viên đến tận nơi, Trường Việt Đức cũng mời giáo viên trường bạn đến dự giờ trực tiếp.
Hà Nội dẫn đầu về nhiều mặt của giáo dục cả nước, nhưng ngay trong nội tại, vẫn còn khoảng cách giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Học tập tinh thần của Bác Hồ, các nhà trường chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm để cùng nâng cao chất lượng giáo dục chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!