Tết này mua sắm những gì? Biếu quà như thế nào? Lương thưởng ra sao hay đơn giản là sắp xếp những cuộc gặp gỡ bạn bè để ăn tất niên sao cho hợp lý? Tư tưởng bị phân tán cho những nhu cầu của bản thân khiến không ít người rơi vào trạng thái nôn nao, không thể tập trung vào công việc khi Tết đến gần.
Nếu bạn gặp tình trạng này thì đây là hiện tượng tâm lý "Holiday Click-off" (bồn chồn, háo hức trước kỳ nghỉ). Theo Peakon, trạng thái này được xem là hiện tượng tâm lý toàn cầu, có đến 50% số người tham gia khảo sát ''bật chế độ ăn chơi'' trước kỳ nghỉ nhiều ngày. Cảm giác tưởng chừng vô hại nhưng nếu kéo dài, có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công việc và sức khỏe của bản thân.
Đổi không gian để tìm cảm hứng cho việc học, nói là vậy, nhưng Tết càng đến gần, điều Nguyễn Minh Tâm (Hà Nội) quan tâm lại không tìm thấy ở những trang sách.
Tư tưởng bị phân tán cho những nhu cầu của bản thân khiến không ít người rơi vào trạng thái nôn nao, không thể tập trung vào công việc khi Tết đến gần.
"Ra ngoài ngồi nhìn trời nhìn đất lại thấy ngoài trời đẹp này. Các bạn rủ đi chụp ảnh ngày Tết ở chợ Đồng xuân, chụp ảnh ngồi trên xích lô ấy nên mỗi lần đi học, mình cũng bị xao nhãng. Không muốn bị phụ thuộc vào bố mẹ quá nhiều nên là mình có bán thêm hàng, vài mẫu mã kinh doanh giỏ quà Tết. Cứ có tư tưởng là sẽ giãn ra sau Tết rồi bắt đầu học tiếp, sau Tết bắt đầu công việc nhiều hơn", chị Nguyễn Minh Tâm, Hà Nội, chia sẻ.
Sau Tết rồi làm, suy nghĩ bông đùa này đôi lúc cũng được những người đang phải lo cơm áo gạo tiền thốt lên, như cách để họ giảm áp lực cho lượng việc lớn cuối năm. Chạy theo deadline nhưng cũng không thể ngó lơ những nhu cầu của bản thân, anh Quân (nhân viên Phòng Thiết kế, Công ty cổ phần Thương mại May mặc Đức Sinh), không ít lần rơi vào trạng thái mất tập trung.
"Một buổi sáng mình có thể được rủ đi ăn nhậu khoảng 3 lần, đó là trường hợp mình vừa gặp phải hôm qua. Vợ cũng giục cho con đi sắm sửa, con mình sinh nhật gần Tết nên chia ra 2 lần chụp ảnh. Tết mà mình được thưởng ít, hay không được thưởng, ảnh hưởng 50% tâm trạng của mình trong tháng cận Tết", anh Nguyễn Minh Quân cho biết.
"Thực ra nó là sự chán nản, khi phải đương đầu với những áp lực. Nhiều trường hợp nỗ lực chiến đấu để hoàn thành mục tiêu không thể uể oải được, nhưng trường hợp thứ hai là BIẾN, tức là mình né tránh, mình biến mất ở trong công việc ấy, những trường hợp lựa chọn phương thức ấy sẽ có biểu hiện của những sự uể oải trong công việc, trước khi đến kỳ nghỉ lễ, đặc biệt là đến Tết", PGS.TS. Trần Thu Hương, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay.
Theo chuyên gia tâm lý, xây dựng kế hoạch làm việc và chế độ nghỉ ngơi khoa học là cách tối ưu để vượt qua trạng thái này. Trì hoãn để sướng trước, nhưng khổ sau sẽ khó lòng hoan hỉ khi bước sang năm mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!