Trong đó, rừng tại An Giang có nguy cơ cháy cao nhất vì tỉnh này có nhiều cánh rừng nằm ở vùng đồi núi cao.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, mùa khô năm nay đến sớm hơn 1 tháng và khốc liệt hơn. Nếu như năm trước, giữa tháng 3 mới có khoảng 50% diện tích rừng ở mức báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm - cấp 5 thì mới giữa tháng 2 năm nay, gần như toàn bộ diện tích rừng đã nằm trong trạng thái này.
Hiện phần lớn trên tổng diện tích 13.700 ha rừng đang đặt ở mức báo động cháy cấp 5. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy rừng. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hiệp đồng của các lực lượng chức năng nên kịp thời dập tắt các đám cháy. Tuy không gây hậu quả lớn nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo mùa khô năm nay công tác phòng chống cháy rừng sẽ cực kỳ phức tạp và nguy hiểm. Bên cạnh đó là sự chủ quan của một bộ phận người dân khi vào rừng "ăn ong", hút thuốc trong rừng.
Hiện tỉnh An Giang đã bố trí dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng trên 200 điểm để sẵn sàng cho mọi tình huống. Máy chữa cháy đeo vai và hàng ngàn can nhựa trữ nước cũng được gửi tại nhà dân sống ven rừng. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm triển khai các giải pháp phòng chống cháy rừng như: tạm ngưng giải quyết việc chặt cây, tỉa thưa rừng, lấy thuốc nam. Các đơn vị trực thuộc ứng trực 24/24 giờ, tăng cường tuần tra kiểm soát rừng, bố trí các phương tiện, máy móc phòng chống cháy rừng.
Ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng thì cần sự chung tay hỗ trợ của người dân như không sử dụng lửa, hút thuốc trong khu vực có rừng. Bởi một khi sự cố xảy ra thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn, khả năng lây lan nhanh do rừng đang bị khô kiệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!