Hơn 400 hồ sơ kiến nghị khởi tố trốn đóng bảo hiểm

PV (t/h)-Thứ bảy, ngày 09/03/2024 19:55 GMT+7

(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Từ năm 2018 đến nay, Bảo hiểm xã hội đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố tội trốn đóng bảo hiểm sang Cơ quan điều tra.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố với các hành vi gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tính từ năm 2018 đến hết 31/12/2023, toàn ngành đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó có 34 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, 4 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế, 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Riêng năm 2023, toàn ngành phát sinh 26 hồ sơ kiến nghị khởi tố, trong đó 17 hồ sơ theo Điều 214, có 1 hồ sơ theo Điều 215, và 8 hồ sơ theo Điều 216.

Tính đến nay, 15 hồ sơ đã được khởi tố, trong đó có 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án cho cơ quan Bảo hiểm xã hội là trên 2,69 tỷ đồng. Số tiền cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thu hồi được từ thi hành án đạt hơn 2,38 tỷ đồng (chiếm 88,5% số tiền phải thi hành án.

220 hồ sơ không khởi tố do được xác định là không có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính; 23 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố; 2 hồ sơ bị tạm đình chỉ, đình chỉ; 103 hồ sơ vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố, cơ quan Bảo hiểm xã hội các địa phương còn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, cơ quan Công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do không có yếu tố gian dối, hoặc thủ đoạn khác. 

Cơ quan Bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở, tiền đề để xử lý hình sự về tội trốn đóng. Trong khi đó, theo Điều 216 chỉ xử lý được với pháp nhân, khó áp dụng với cá nhân do chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cá nhân là người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động.

Nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, cần thiết nghiên cứu xây dựng cụ thể các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đồng thời có hướng dẫn cách thu thập hồ sơ tài liệu đảm bảo điều kiện cần và đủ trước khi gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra, nhằm đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển hóa hồ sơ, tài liệu thành chứng cứ phục vụ công tác điều tra, khởi tố đối với tội danh trốn đóng theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Đề xuất đóng bảo hiểm y tế cho người thân: Liệu có khả thi? Đề xuất đóng bảo hiểm y tế cho người thân: Liệu có khả thi?

VTV.vn - Đề xuất phương án đưa thân nhân lao động vào diện đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng, 70% còn lại do chủ doanh nghiệp cùng lao động chi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước