"Cơn khát" nước sạch
Nước sạch là một trong số những nhu cầu thiết yếu của con người, là một trong 19 tiêu chí quan trọng để hình thành, đánh giá xã nông thôn mới. Tuy nhiên, số tiền 3,1 triệu đồng lại đang trở thành rào cản vô hình ngăn người dân thôn Đào Đặng, xã Trung nghĩa có cơ hội tiếp cận được nước sạch.
Ông Nguyễn Văn Bộ (thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên) là một trong số những hộ dân chưa thể tiếp cận được nước sạch. Tuy nhiên, khao khát được sử dụng nước sạch vẫn luôn là ước muốn bấy lâu nay của ông Bộ: "Tôi còn cho họ sử dụng điện để cắt đường, đặt đường ống, mong người dân được tiếp cận với nước sạch".
Gia đình ông Bộ vẫn sử dụng nước giếng khơi làm nguồn nước sinh hoạt chính.
Cùng chung khao khát với ông Bộ, gia đình ông Vũ Viết Linh là một trong số những hộ dân chưa thể tiếp cận với dự án nước sạch vì điều kiện. Tuy nhiên, nước sạch vẫn là khao khát bấy lâu nay của gia đình khi thấy những hộ dân xung quanh tiếp cận được nước sạch, ông Linh bộc bạch: "Tôi áy náy chứ ,vì gia đình nhà mình thiếu thốn, không đủ bằng người ta".
Không có nước sạch, nhiều hộ dân phải vật lộn khi sử dụng nước giếng khoan. Ông Linh cho biết: "Dùng nước giếng khoan hay gỉ hơn, ví dụ như xe máy không dám rửa lại phải đi rửa chỗ giếng đất, có máy bơm nhưng không dám rửa". Khổ sở vì thiếu nước sạch là vậy nhưng rào cản về kinh tế là một trong số những rào cản lớn ngăn người dân như ông Linh tiếp cận với dự án nước sạch.
Trong quá trình sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, nhiều gia đình phải đã phải chịu những hao mòn vật tư do chính nước giếng khoan gây ra. Han gỉ thiết bị vệ sinh, máy lọc nước phải liên tục bảo dưỡng… Điều này càng cho thấy nước sạch đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt của người dân ở đây. Tuy nhiên, việc tiếp cận nước sạch còn nhiều băn khoăn, lo lắng khiến người dân ngập ngừng, chưa thể lắp đặt, sử dụng.
Những thiết bị vệ sinh trong nhà tắm của gia đình chị Đậu Thị Tuyền bị hoen gỉ, ố vàng do sử dụng nước giếng khoan lâu ngày.
Nhiều "điểm nghẽn" chưa thể khai thông
3,1 triệu đồng là số tiền mà mỗi hộ dân ở thôn Đào Đặng phải bỏ ra để được lắp đặt và sử dụng nước sạch. Số tiền này được công ty cấp nước lý giải rõ là tiền "mắc đồng hồ sử dụng nước sạch". Khoản tiền này cũng chính là mỗi băn khoăn lớn của người dân Đào Đặng trong quá trình tiếp cận với nước sạch.
Thậm chí, theo ông Vũ Viết Viên, ngoài số tiền 3.1 triệu đồng phải đóng để được lắp nước sạch, nhà ông Viên còn phải chịu thêm chi phí 12m đường ống dẫn trước đồng hồ. Với mỗi mét đường ống trước đồng hồ, nhà ông Viên phải trả cho công ty nước 100.000 đồng/m. Được biết, theo đúng quy định, nhà máy cấp nước phải chi trả toàn bộ chi phí này.
Ngoài ra, theo nhiều hộ dân đã được lắp đặt và sử dụng nước sạch cho biết, họ không hề nhận được hóa đơn tài chính mà chỉ nhận được phiếu thu. Điều này đặt ra một dấu hỏi lớn trong nhân dân về sự minh bạch, rõ ràng của công ty. Đây cũng trở thành băn khoăn lớn, trực tiếp tạo ra rào cản đối với người dân Đào Đặng trong việc tiếp cận nước sạch.
Nhiều hộ dân phải sử dụng song song nước giếng khoan và nước mưa trong hoạt vì “chưa đủ điều kiện” tiếp cận nước sạch.
Với những hộ gia đình có mong muốn được lắp đặt nước sạch việc họ cần phải làm chỉ là đến địa điểm được thông báo hoặc gặp trực tiếp nhân viên thu tiền nước sau đó điền thông tin cá nhân, nộp tiền và nhận lại phiếu thu. 3,1 triệu đồng là số tiền bắt buộc phải nộp để lắp đặt cụm đồng hồ. Ngoài ra, tiền ống nước từ cụm đồng hồ dẫn vào bể chứa cá nhân là tiền mà các hộ dân phải tự chi trả.
Mong muốn là vậy nhưng số tiền 3,1 triệu đồng là "quá sức" không chỉ với gia đình ông Bộ mà còn với nhiều hộ dân ở đây. Vì lý do đó, mặc dù đường ống dẫn nước của nhà máy đã được lắp đặt đến tận cổng nhưng nhiều hộ dân vẫn bỏ ngỏ, chưa thể lắp đặt.
Rào cản vô hình
Mong muốn được sử dụng nước sạch là có, tuy nhiên, 3,1 triệu đồng là số tiền "quá sức" với những hộ dân như ông Linh và ông Bộ. Trao đổi về vấn đề, ông Đỗ Văn Lộc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Hưng – công ty cấp nước trên địa bàn xã Trung Nghĩa cho biết: "3,1 triệu đồng là bao gồm toàn bộ chi phí vật tư, chi phí nhân công và tiền hoàn trả mặt bằng, là chi phí điển hình áp dụng cho toàn bộ khách hàng trong phân vùng cấp nước của khu vực".
Công tơ đồng hồ đo nước mà Công ty sử dụng phổ biến là công tơ hiệu Itron được công ty nhập với giá khoảng 600.000 đồng. Số tiền còn lại là số tiền đã bao gồm vỏ đồng hồ, hệ thống ống dẫn, van… để cấu thành nên số tiền 3,1 triệu đồng. Trong khi đó, trên thị trường loại đồng hồ đo nước itron actaris multimag dn15 tương tự chỉ có giá khoảng 350.000 đồng – 490.000 đồng/chiếc.
Ông Lộc khẳng định: “Mục đích của chúng tôi là kinh doanh sản xuất nước chứ không kinh doanh cụm đồng hồ”
Ông Lộc cũng khẳng định: "Việc thu tiền đấu nối của doanh nghiệp thật ra đã được sự đồng thuận của người dân trên tinh thần tự nguyện, chúng tôi đều có các biên bản thỏa thuận kèm theo là sau khi lắp đặt, bàn giao cụm đồng hồ cho khách hàng tất cả các cụm đồng hồ đều được chúng tôi xuất hoá đơn, đối với những hộ yêu cầu hoá đơn lẻ thì chúng tôi xuất lẻ. Còn đối với những hộ không yêu cầu xuất hoá đơn thì chúng tôi đều xuất hoá đơn và kê khai thuế đầy đủ".
Ngoài ra, ông Lộc cũng nhận định, việc đấu nối giá cụm đồng hồ đo nước so với những doanh nghiệp khác thì Công ty đã cân đối ở ngưỡng thấp: "Vì mục đích của chúng tôi là kinh doanh sản xuất nước chứ không kinh doanh cụm đồng hồ".
Theo đó, tại "Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành và bàn giao tài sản" của doanh nghiệp này với khách hàng có tới 18 hạng mục được kê khai. Tuy nhiên, biên bản này chỉ có tên công việc, vật liệu; đơn vị và số lượng mà không hề có đơn giá.
Trao đổi về vấn đề này ông Hoàng Nghĩa Tài, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hưng Yên cho biết: "Doanh nghiệp áp dụng định mức 65 của UBND tỉnh về việc quy định, định mức thu phí lắp đặt cụm đồng hồ bao gồm 19 hạng mục. Tuy nhiên với việc đơn giá của các vật tư thì các cơ quan nhà nước chưa thẩm định và phê duyệt".
Đánh giá về việc phủ mạng lưới đường ống cấp nước sạch trên địa bàn. Ông Tài nhận định: "Trong vòng 17 năm thực hiện chương trình mục tiêu cũng không nhanh bằng 5 năm khi thực hiện xã hội hoá nước sạch. Đến thời điểm này, tỉnh Hưng Yên đã có trên 75% người dân đã sử dụng nước sạch còn 25% đang trong quá trình tiếp cận.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc trong việc phối hợp giữa các doanh nghiệp cấp nước với các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện xã hội hoá, các đơn vị thi công phối hợp với nhau chưa được chặt chẽ. Do nhận thức của một số bộ phận nhân dân nông thôn chưa được tốt dẫn đến việc vẫn còn hiện tượng chặt vỡ, phá hỏng việc cấp nước của một số doanh nghiệp. Ngoài ra, do ảnh hưởng của khí hậu, nắng nóng kéo dài, hiện tượng El Nino dẫn đến nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt bị suy giảm dẫn đến việc cấp nước an toàn của các nhà máy, các doanh nghiệp còn chưa được tốt".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!