Lễ hội diễn ra từ ngày 28 - 30/9, tức ngày 26 - 28/8 âm lịch.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Lễ hội mang đậm tính nhân văn được lưu truyền qua nhiều thế hệ và được bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn của cộng đồng và người dân với tâm nguyện tri ân những công lao to lớn của ông. Hằng năm vào các ngày 26, 27 và 28 tháng 8 Âm lịch, nhân dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh, thành phố trong cả nước về TP Rạch Giá, nơi có Đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực để chiêm bái. Năm 2023, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - TP Rạch Giá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Với truyền thống, lịch sử, văn hóa của quê hương Kiên Giang anh hùng, tự hào về di sản văn hóa được tôn vinh; cùng sự quan tâm của Trung ương, của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự đồng lòng, chung tay góp sức của đông đảo quần chúng nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng những giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Mộ và Đình Nguyễn Trung Trực - TP Rạch Giá sẽ tiếp tục được gìn giữ, vun đắp, lan tỏa, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp của tỉnh Kiên Giang nói chung, của TP Rạch Giá nói riêng đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế" - ông Nguyễn Lưu Trung nói.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh.
Lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm: Lễ thắp hương Bia ghi dấu địa điểm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp hành hình năm 1868; lễ dâng hương tại công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực. Các nghi lễ thượng đại kỳ, tế đàn cả, hậu phối... được tổ chức tại Đình Nguyễn Trung Trực.
Phần hội được tổ chức với sân khấu không gian đờn ca tài tử Nam Bộ; triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII (Đồng bằng sông Cửu Long) lần thứ 29 năm 2024; diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trưng bày ảnh nghệ thuật "Kiên Giang - Đất nước - Con người"; trưng bày, giới thiệu quảng bá du lịch, sản phẩm thương hiệu doanh nghiệp...
Hoạt cảnh cải lương thể hiện khí phách người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Tiết mục sân khấu hóa “Sáng mãi trời Nam”.
Sau phần Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 - 2024) với hình thức sân khấu hóa gồm nhiều thể loại, tiết mục đặc sắc ngợi ca người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Trong đó, có các tiết mục như: sân khấu hóa "Sáng mãi trời Nam", đồng ca - lĩnh xướng: "Ca khúc họ Nguyễn", cùng nhiều tiết mục ca múa nhạc ca ngợi tình yêu đất nước, quê hương Kiên Giang.
Tiết mục sân khấu hóa về tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và nhân dân Rạch Giá.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Kiên Giang, Lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh hàng năm thu hút khoảng 1 triệu lượt khách tham dự. Đặc điểm riêng có của Lễ hội là tính gắn kết cộng đồng thể hiện qua tinh thần tự giác, thiện nguyện của người dân tham gia. Hàng nghìn người đến phục vụ suốt thời gian Lễ hội như dọn dẹp vệ sinh, phục vụ thức ăn, nước uống...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!