Ngư dân gặp khó khi giá cá ngừ xuống thấp
Tháng 12 đã tới và đây là thời điểm các doanh nghiệp nước ta chuẩn bị đơn hàng cho năm mới nhằm đón hạn ngạch ưu đãi thuế quan. Với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ, khó khăn nối tiếp khó khăn. Giá cá, đặc biệt là cá ngừ xuống thấp trong nhiều tháng qua. Không chỉ có vậy, cá khai thác về lại không bán được nên tồn kho khá nhiều.
Tàu cá này mới cập cảng sau chuyến khai thác và đánh bắt dài ngày trên biển. Tuy nhiên, ngư dân lại không vui. Bởi những sản phẩm mới đánh bắt được buộc phải chất trong kho lạnh của tàu. Không những thế, giá cũng xuống thấp. Như những con cá ngừ này đã giảm từ 35.000 đồng/kg xuống còn 25.000 đồng/kg và 20.000 đồng/kg. So với hồi đầu năm, cứ bán ra 1 tấn cá, ngư dân thiệt đi cả chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Ngọc - Chủ tàu cá, phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Cá chững lại, giá thấp lại. Bình thường các loại khác tăng lên như nhu yếu phẩm, dầu, kể cả nước đá cũng tăng nhưng giá cá lại giảm. Hai điều đó trái ngược nên bà con khai thác không còn có lãi, nguy cơ lỗ rất lớn”.
Ngư dân cho biết, giá cá bắt đầu giảm từ đầu năm nay. Đặc biệt, gần hai tháng nay có hiện tượng hàng tồn, không bán được nên các tàu cá đành phải để lại trên tàu và gửi các kho lạnh trên bờ. Điều này cũng đồng nghĩa tàu đành phải nằm bờ, không tiếp tục đi đánh bắt.
Tuyên truyền để giúp ngư dân hiểu về khai thác bền vững đang là giải pháp căn cơ
Khai thác thủy sản bền vững
Những vấn đề cho thấy, việc khai thác thủy sản bền vững đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Nhiều giải pháp cũng đã được các cơ quan quản lý thực hiện để cùng với bà con ngư dân giải quyết những khó khăn trước mắt.
Nhiều năm qua, ngư dân đã áp dụng nhiều giải pháp về công nghệ tự động như hệ thống xếp dỡ hàng từ boong tàu lên cảng cá; công nghệ đá sệt; công nghệ nano UFB trong bảo quản thủy sản đã giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí và nâng cao giá trị trong khai thác thủy sản. Đặc biệt hơn, các ngư dân cũng cho biết, phần lớn đã ý thức chấp hành đánh bắt có trách nhiệm, đảm bảo về truy xuất nguồn gốc, góp phần gỡ thẻ vàng IUU hướng tới khai thác thủy sản bền vững.
Tuyên truyền để giúp ngư dân hiểu về khai thác bền vững đang là giải pháp căn cơ. Tại Bà Rịa Vũng Tàu, trước mỗi chuyến biển, tàu cá thường được các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động chủ tàu và các thuyền viên khai thác đánh bắt hải sản trên biển đúng khu vực quy định, không xâm phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là quy định về khai thác IUU.
Ông Nguyễn Ngọc Triển - Huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ý kiến: “Biên phòng thường xuyên nhắc nhở tuyên truyền vi phạm vùng biển nước ngoài là Nhà nước không cho phép”.
Đại tá Đào Xuân Ánh - Chính ủy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định: “Tình hình vi phạm IUU cũng đã có những chuyển biến và đã giảm theo từng thời gian từng năm”.
Riêng với những tàu cá không ba không, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý giúp ngư dân có giấy chứng nhận đăng ký đã đóng góp tích cực vào nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU.
Ông Trần Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Hồ sơ đầy đủ, chỉ còn phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh, chúng tôi làm theo quy trình cấp tàu cá là xong”.
Ông Nguyễn Hữu Thi - Phó Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Số còn lại anh em đang làm theo hình thức cuốn chiếu trên cơ sở đã kiểm tra kỹ thuật hơn 1.200 tàu, sau đó anh em kỹ thuật kéo về tập trung làm các khâu còn lại cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cho bà con theo đúng tiến độ đề ra”.
Theo kế hoạch sắp tới, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành thanh tra thực địa, xem xét gỡ “thẻ vàng” IUU lần thứ 5 cho thủy sản Việt Nam. Việc tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU không chỉ góp phần nâng cao thương hiệu, uy tín, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mà còn là động lực để phát triển thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!