Tại một trong những buổi hội chẩn của Bệnh viện Bạch Mai liên quan đến các ca bệnh phức tạp cho các bệnh viện vệ tinh thông qua hình thức kết nối trực tuyến (telehelth), rất nhiều ca bệnh khó đã được các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành thuộc nhiều chuyên khoa tư vấn cho tuyến dưới.
Mặc dù mới thành lập được hơn 1 năm nhưng Bệnh viện Bạch Mai đã có hơn 450 điểm cầu các bệnh viện vệ tinh. Trong đó, rất nhiều điểm cầu tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo đã được nối dài với nhiều loại hình như đào tạo chuyên đề, hội chẩn cấp cứu, tư vấn sức khỏe… thích ứng, linh hoạt, kịp thời.
"Sau khi nhận được yêu cầu, đề xuất của tuyến dưới, trong vòng 30 phút đến 1 tiếng, chúng tôi có thể setup ngay buổi hội chẩn, kết nối làm sao để có thể hỗ trợ cho tuyến dưới ngay lập tức", PGS.TS Vũ Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, nhu cầu khám, chữa bệnh tăng cao. Để đảm bảo an toàn, giãn cách, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, rất nhiều bệnh viện đã đẩy mạnh mô hình khám bệnh từ xa thông qua hệ thống công nghệ thông tin "telehealth" hay "telemedicine".
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Kết nối cả hệ thống y tế Bắc Trung Nam, tập trung chữa cho những bệnh nhân rất nặng, nguy kịch. Chúng tôi đã chuyển tải được những kiến thức, kĩ năng, kĩ thuật để đến với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa; đến với các đồng nghiệp của chúng tôi".
Nhờ sự hỗ trợ của tuyến trên thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa, nhiều ca bệnh khó, nguy cơ tử vong được điều trị thành công ở tuyến dưới, giúp tăng hiệu quả, sự tiếp cận, san lấp khoảng cách về địa lý, chuyên môn giữa bệnh viện trung ương và tuyến y tế cơ sở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!