Tại cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4 (Noru) của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai diễn ra sáng 26/9, các đại biểu đề nghị địa phương nhanh chóng kêu gọi các phương tiện di chuyển, thoát khỏi khu vực nguy hiểm của bão số 4.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, hiện vẫn còn 177 tàu, thuyền trong vùng nguy hiểm, trong đó, Quảng Ngãi: 87 tàu, Bình Định: 65 tàu, Quảng Nam: 18 tàu và Đà Nẵng: 1 tàu.
Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, với dự báo cấp độ bão hiện nay, các tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định vẫn ở mức độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Các đại biểu đề nghị địa phương còn tàu thuyền trong vùng nguy hiểm khẩn trương liên lạc, kêu gọi tàu thuyền di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các phương tiện nên đi lên phía bắc hoặc xuống phía nam, không nên vào bờ vào lúc này. Một số ý kiến cho rằng, ngoài việc tập trung ứng phó trên biển và khu vực ven bờ còn phải chủ động cả phương án ứng phó với mưa lớn trên đất liền, rà soát các khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn.
Thượng tá Đỗ Duy Phương, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, các lực lượng và phương tiện đã chuẩn bị sẵn sàng; Quân khu 4 và Quân khu 5 đã cử đoàn công tác đi kiểm tra trực tiếp các đơn vị về phương án phòng, chống tại chỗ cũng như phối hợp kiểm tra các điểm trọng điểm, xung yếu.
"Khi thành lập Ban chỉ huy tiền phương cần kiểm tra các khu vực nguy cơ cao để kịp thời có phương án sơ tán dân", Thượng tá Đỗ Duy Phương đề nghị.
Ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp sáng 26/9.
Ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo ứng phó bão số 4 tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Rà soát các hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa xung yếu và hồ chứa đang thi công để có phương án ứng phó khi tình huống xấu xảy ra.
"Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản theo dõi sát các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đôn đốc, kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các chi cục hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến, tránh va đập, đi sâu vào cửa sông hoặc kéo tàu thuyền lên bờ. Chỉ đạo các chi cục hướng dẫn bà con di chuyển lồng bè và không để người dân trên lồng bè khi bão vào", Ông Luận nhấn mạnh.
Để ứng phó bão số 4, đến sáng 26/9, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã ban hành lệnh cấm biển. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán dân với tổng số gần 214.000 hộ với hơn 868.000 người, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán hơn 93.000 hộ, với 368.000 người tùy theo diễn biến bão.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!