Va chạm giao thông - giải quyết bằng nắm đấm; bất đồng lúc chơi đùa - lao vào đấm nhau túi bụi; vì một ánh nhìn không thiện cảm - 2 đối tượng sẵn sàng nhảy vào đâm chém nhau gây ra những hậu quả khủng khiếp, có thể là cả mạng người. Sử dụng bạo lực đang là cách mà nhiều người trẻ hiện nay lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn.
Các vụ giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực liên tiếp xảy ra trong thanh thiếu niên, sau đây là một số ví dụ:
- Tại Quận Bình Tân, TP.HCM, 200 thanh niên với đủ hung khí trên tay xông vào 1 quán ốc chửi bới, la hét đập phá. Nguyên nhân bắt đầu từ mâu thuẫn cá nhân. Hậu quả khiến 1 người bị thương nặng.
Nhóm 200 giang hồ áo cam đập phá quán nhậu ở quận Bình Tân.
- Chỉ vì bất đồng trong lúc chơi game với nhau, 1 thanh niên chỉ mới 17 tuổi tại Đắk Lắk đã bị chính bạn của mình đâm đến tử vong.
- 4 tháng đầu năm 2020, riêng tỉnh Tiền Giang đã xảy ra hơn 20 vụ cố ý gây thương tích và 8 vụ trọng án. Điều đáng nói, các đối tượng gây án chủ yếu là giới trẻ. Nguyên nhân bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống.
- Tại Kiên Giang, chỉ vì mâu thuẫn trong lúc ăn sáng, để trả thù, 2 ngày sau 1 đối tượng dùng dao đâm trọng thương đối phương.
- Xảy ra va chạm khi đang lưu thông trên đường, 1 thanh niên tại Bình Dương tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Nguyên nhân tử vong không phải vì tai nạn giao thông mà bị chính người cùng va chạm đánh đến chết.
- Cách đây vài ngày, 2 nam thanh niên (1 người 22 tuổi và 1 người 18 tuổi) do mâu thuẫn liên quan đến bạn gái mà đã kéo theo 2 thanh niên 17 và 18 tuổi nữa lao vào hỗn chiến tại quận Hà Đông, Hà Nội. Hậu quả, do vết thương bị đâm quá nặng, thanh niên 17 tuổi đã tử vong.
Xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực gia tăng
Tội phạm bạo lực có xu hướng tăng là thống kê của cơ quan chức năng. Trong đó, tội phạm giết người chiếm khoảng 2% tổng số các loại tội phạm.
Qua một nghiên cứu toàn cầu về tỷ lệ thiếu niên 13 đến 15 tuổi có tham gia ít nhất 1 cuộc ẩu đả trong trường học cho thấy, Việt Nam đứng thứ 8 trong top các nước, với tỷ lệ 22%. Nghiên cứu này có trong báo cáo của PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Không chỉ là những vụ nhỏ lẻ, thời gian gần đây còn xuất hiện hàng loạt vụ ẩu đả, thậm chí hỗn chiến giữa các nhóm đối tượng là thanh niên. Có những vụ ẩu đả lên đến hàng trăm người, từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt
15 đối tượng trong vụ việc tại quận Bình Tân bị tạm giữ hình sự, hung khí bị tịch thu và nguyên nhân của vụ việc được cơ quan công an nhận định là gây rối trật tự công cộng với số lượng đông đối tượng, gây náo loạn cả một địa bàn dù chỉ diễn ra trong vòng 5 phút, đã được xác định.
Chỉ để giải quyết mâu thuẫn mà 200 người được tập hợp để thị uy, đập phá rồi gây thương tích cho người không có liên quan đến mâu thuẫn. Đáng tiếc, đây không phải là sự việc hi hữu. Phải chăng, những người trẻ đang trở nên hung hăng hơn, phải chăng bạo lực là chìa khóa duy nhất để họ hóa giải mâu thuẫn từ áp lực cuộc sống khi thiếu kỹ năng xử lý
Bị bao vây bởi những hình mẫu bạo lực trên phim ảnh, mạng xã hội, những người trẻ có thể được xem là nạn nhân của môi trường thiếu lành mạnh khi những điều họ học hỏi được phần lớn từ môi trường xã hội. Liệu có cách nào để trả lại một thế hệ trẻ không xem bạo lực là cách thức duy nhất giải quyết xung đột, một thế hệ trẻ sống lành mạnh khi có kỹ năng xử lý những vấn đề của cuộc sống?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!