Khi những người đàn ông là nạn nhân của bạo lực gia đình

Tiến Tú, Linh Chi, Dương Dũng-Thứ tư, ngày 29/05/2024 13:08 GMT+7

VTV.vn - Đàn ông cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Chì chiết, chửi mắng, im lặng, cô lập đối phương đều là những hình thức bạo lực tâm lý đối với người đàn ông.

Bạo lực gia đình không chỉ giới hạn ở việc tấn công thể xác. Chì chiết, chửi mắng, im lặng, cô lập đối phương đều là những hình thức bạo lực. Khi những hành động này gây tổn hại đến sức khỏe tâm lý và thân thể của người bạn đời, chúng đều được xem là bạo lực gia đình.

Đàn ông cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, một thực tế thường bị bỏ qua. Một câu chuyện điển hình là trường hợp của một người đàn ông đã trải qua cuộc hôn nhân tan vỡ chỉ sau 5 tháng. Anh không ngờ rằng sự chênh lệch lương bổng lại trở thành nguyên nhân khiến hôn nhân đổ vỡ.

Nhân vật chia sẻ: "Lương của vợ cao hơn mình khoảng 5 triệu. Cô ấy thường chửi mắng, chê bai mình không bao giờ khá lên được. Mình chuyển hết lương cho vợ, nhưng khi xin tiền ra ngoài ăn uống với bạn bè thì bị hỏi vặn, trách móc. Cô ấy còn lén dùng điện thoại của mình để xoá hết tin nhắn. Đến một thời điểm mình quyết định ở riêng rồi ly hôn".

Tổn thương do bạo lực tâm lý có thể kéo dài và trở thành nỗi ám ảnh. "Cô ấy thường chì chiết, khinh bỉ mình. Khi trao đổi thì cô ấy cứ gào lên, rồi đạp mình. Lời nói của cô ấy đôi khi gây tổn thương hơn cả bạo lực thể xác" - Người đàn ông chia sẻ.

Bạo lực tâm lý có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Mới đây, một người đàn ông 70 tuổi sau khi thăm khám tại bệnh viện được chẩn đoán trầm cảm do thời gian dài bị vợ chỉ trích, cằn nhằn. Vợ ông thường nói ông giả bệnh, lười không muốn làm việc nhà, khiến ông cảm thấy mình vô dụng trong gia đình.

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Vũ Thu Thuỷ, Khoa Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện E, cho biết: "Bệnh nhân đến khám với triệu chứng mất ngủ, buồn chán, bi quan và các triệu chứng thần kinh thực vật. Vợ ông có tác động lời nói, cảm xúc lặp đi lặp lại thường xuyên khiến ông cảm thấy kém cỏi. Áp lực về thể xác và tinh thần thường gặp ở nữ giới và trẻ em nhiều hơn, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy nam giới cũng gặp những vấn đề bạo lực tâm lý như giới nữ".

Vợ chồng và câu chuyện kẻ lùi người tiến

Hôn nhân không phải là cuộc chiến để phân định thắng thua, mà là hành trình đồng hành và tôn trọng lẫn nhau. 

Anh Vũ Tồn, người dân sống ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã phải đối mặt với nhiều thách thức khi mất việc vì dịch bệnh ngay lúc đứa con đầu lòng ra đời. Anh sẵn sàng lui về chăm sóc gia đình để vợ có thể theo đuổi công việc yêu thích. Sự thay đổi vai trò này giúp anh nhận ra những khó khăn của công việc nội trợ và chăm sóc con nhỏ. 

"Chăm con là một nghệ thuật, nhưng nghệ thuật đó phải chịu đựng khá dài. Làm bố bỉm sữa có nhiều cái khôi hài, đau đầu và nhiều lúc còn ức chế", anh Vũ Tồn chia sẻ.

Cuộc sống gia đình là sự hợp tác và chia sẻ. Nội trợ và chăm sóc con cái là những công việc vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương. Những người đàn ông sẵn sàng lùi về để hỗ trợ vợ mình chính là những người xứng đáng được tôn trọng và yêu thương.

Một minh chứng cho tình yêu vững bền là câu chuyện của ông Lê Quang Điện và bà Tạ Hồng Trang, người dân ở xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Gần 30 năm kết hôn, ông Điện luôn là hậu phương vững chắc để bà Trang yên tâm làm việc.

Ông Lê Quang Điện kể: "Vợ tôi đi bán rau, 1-2h đêm đã phải ra khỏi nhà. Không có người quán xuyến gia đình nên tôi chấp nhận lui về. Một khi chấp nhận lui về, mọi thành kiến đều bỏ ngoài hết".

Người không cần phải hoàn hảo, yêu thương mình là đủ. Phụ nữ không nhất thiết phải trở thành người đứng sau chồng và tốt nhất cũng không nên là người đứng sau. Hai người cùng đi trên một con đường, với vị trí song hành là đẹp nhất, là hạnh phúc nhất.

Cuộc sống hôn nhân là tự nguyện, mỗi người đều cần và nên được tôn trọng như nhau. Dù đàn ông ở tiền tuyến hay hậu phương, họ đều xứng đáng được tôn trọng và yêu thương. Hôn nhân hạnh phúc không nằm ở việc ai thắng ai, mà ở sự đồng hành, tôn trọng và sẻ chia lẫn nhau.

Nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình không nhận ra mình bị bạo lực hoặc nhận ra nhưng chọn cách im lặng, che giấu, chịu đựng trong thời gian dài. Bạo lực gia đình là vấn đề không của riêng ai và cần sự nhận thức, can thiệp từ cả xã hội để bảo vệ tất cả các thành viên trong gia đình, không phân biệt giới tính.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước