Khó di tản lao động trên lồng bè thủy sản khi bão về

Tấn Quýnh, Phạm Việt-Thứ năm, ngày 13/10/2022 11:45 GMT+7

VTV.vn - Khi thiên tai xảy ra, điều quan trọng nhất là đảm bảo tính mạng con người. Lúc này công tác di dời người dân ở những nơi chịu nhiều ảnh hưởng luôn được đặc biệt quan tâm.

Khi một cơn bão đổ bộ thì một trong những nơi nguy hiểm nhất chính là các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Minh chứng là cơn bão Damrey năm 2017 ập vào 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa khiến hơn 100 người thiệt mạng và mất tích, phần lớn trong số đó là những lao động trên lồng bè. Do đó, việc phải nắm chắc số lao động, xác định vị trí của từng lồng bè nuôi là vô cùng quan trọng trong việc kịp di dời lao động vào nơi tránh trú an toàn.

Từ một làng Raglai ở miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, Cao Cường có mặt ở vùng nuôi tôm hùm vịnh Vân Phong. Chủ bè nuôi tôm hùm đã thuê anh làm việc trên bè. Chưa rành mọi chuyện ở biển nên nếu xảy ra gió bão, những lao động trên lồng bè như Cao Cường không dễ ứng phó.

Ở vùng nuôi thủy sản tại vịnh Vân Phong có nhiều lao động giống như Cao Cường. Họ từ nhiều địa phương được các chủ lồng bè thuê về đây để lo mọi việc trên bè nuôi. Mỗi bè nuôi, ít thì 4 - 5 lao động, nhiều thì hơn chục người.

Khó di tản lao động trên lồng bè thủy sản khi bão về - Ảnh 1.
Khó di tản lao động trên lồng bè thủy sản khi bão về - Ảnh 2.

Để nhận tiền công mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, yêu cầu đầu tiên là các lao động phải ở hẳn trên bè nuôi, cả ngày cả đêm, bởi những lồng bè nuôi thủy sản trị giá tiền tỷ, không thể không có người trông coi. Đây cũng là ngọn nguồn khiến cho lúc xảy ra bão, lẽ ra những người trên lồng bè phải vào bờ thì không ít trường hợp nấn ná, thậm chí cố tình ở lại để giữ lấy bè nuôi.

Trong khi đó, về mặt quản lý, không dễ để nắm chắc lao động trên lồng bè. Không phải chủ lồng bè nào cũng kịp thời khai báo với chính quyền địa phương từng lao động cụ thể trên lồng bè của mình. Giữa người lao động và chủ lồng bè hầu như không có hợp đồng lao động ký kết. Hôm nay thuê người này, ngày mai có thể là người khác.

Theo ông Nguyễn Xuân Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa: "Quá trình khai báo có thiếu sót. Tâm lý chung là họ thấy công việc này không quan trọng nên không khai báo".

Khó di tản lao động trên lồng bè thủy sản khi bão về - Ảnh 3.
Khó di tản lao động trên lồng bè thủy sản khi bão về - Ảnh 4.

Những khoảng trống trong kiểm soát lao động trên lồng bè thủy sản cũng chính là khó khăn lớn nhất trong công tác ứng phó thiên tai ở vùng nuôi thủy sản các tỉnh Nam Trung bộ, nơi có hàng nghìn lao động thường xuyên trên lồng bè. Nếu không nắm chắc số lao động trên lồng bè, nếu không xác định vị trí của từng lồng bè nuôi, một khi xảy ra bão, việc di dời lao động vào nơi an toàn khó tránh khỏi lúng túng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước