EU đã ngừng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi từ năm 2006. Mỹ và Thái Lan sẽ ngừng sử dụng trong năm 2017. Quốc tế đã có rào cản của riêng mình để nói không với thực phẩm chứa kháng sinh. Còn người tiêu dùng trong nước thì sao? Đáng tiếc, gần như chưa có một công cụ nào bảo vệ họ trước thực phẩm tồn dư kháng sinh, bởi “kiểm soát chất cấm khó một thì kiểm soát kháng sinh khó mười”.
Năng lực phòng kiểm nghiệm còn hạn chế. Việc kiểm nghiệm dư lượng kháng sinh hiện nay đều phải lấy mẫu thực hiện trong phòng thí nghiệm vì không có dụng cụ test nhanh. Chi phí kiểm nghiệm cho mỗi loại kháng sinh dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Trong khi đó, hiện có hàng trăm loại kháng sinh đang được người chăn nuôi sử dụng và nhiều loại đang bị lạm dụng.
Chính vì những hạn chế trên mà việc kiểm tra dư lượng kháng sinh hiện mới chỉ thực hiện được ở từng mẫu nhỏ, ở những lô hàng cung cấp cho nhà máy; gần như bỏ ngỏ ở những lô hàng tiêu thụ tại chợ.
Được biết, bên cạnh việc xử lý chất cấm, cuộc chiến với lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là mục tiêu hàng đầu mà ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2016.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.