Không chỉ đối mặt với dịch bệnh căng thăng, gần đây, người dân ở các tỉnh Đông Nam Bộ lại phải gánh thêm những hoang mang, lo lắng về việc nhiều đối tượng mạo danh thanh tra, công an, cán bộ từ ngân hàng, Viện kiểm sát rồi gọi điện, gửi văn bản hù doạ. Không chỉ vậy còn cưỡng bức, lừa đảo người dân nộp tiền để chạy việc, chạy án…
Tiền tỷ “bốc hơi” do tin tưởng các cuộc gọi lừa đảo tự xưng điện lực, viện kiểm sát
Một số điện thoại có số đuôi gần giống với số của điện lực miền Nam đã gọi cho chị Nguyễn Thị hương Thảo (ngụ tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thông báo rằng, gia đình chị đã vi phạm các quy định sử dụng điện nên bị Công ty điện lực TP Hồ Chí Minh phạt với số tiền 68 triệu đồng.
"Họ nói tôi có công tơ ở đường Cống Quỳnh có vi phạm sử dụng điện và đề nghị nộp ngay 68 triệu. Sau đó nối máy cho tôi găp một người tự xưng là công an ở Bộ và nói tôi viết đơn. Tôi rất ngạc nhiên trong khi không có nhà hay kinh doanh bất kỳ cái gì tại TP Hồ Chí Minh", chị Thảo cho biết.
Hàng trăm khách hàng đã gọi đến Công ty Điện lực Đồng Nai phản ánh về việc họ bị yêu cầu đóng tiền phạt, trong đó có khách hàng phản ánh về việc có người xưng là nhân viên điện lực gọi thông báo gia đình có liên quan đến khoản nợ hơn 100 triệu đồng.
Ông Trương Đình Quốc, PGĐ phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Đồng Nai cho biết: "Những số điện thoại này gọi chủ yếu để hù khách hàng, nói quý khách hàng còn nợ tiền điện, sử dụng mức điện cao vi phạm sử dụng điện và yêu cầu khách hàng chuyển tiền cho chúng. Công ty Điện lực Đồng Nai đã làm đơn tố cáo vụ việc lên Công an Đồng Nai..".
Không chỉ mạo danh nhân viên điện lực, thời gian qua người dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, đã có nhiều phản ánh về tình trạng xưng danh công an, đại diện viện kiểm sát gọi điện thông báo, đe doạ họ liên quan đến các đường dây ma túy, lừa đảo, đề nghị cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.
Tổng hợp thống kê của các ngành chức năng ở Đông Nam bộ cho thấy, hàng trăm tỷ đồng đã bốc hơi và biến mất khỏi tài khoản của các nạn nhân bởi chính chiêu trò mạo danh lừa đảo này trong thời gian qua.
Ngăn chặn lừa đảo mạo danh
Các đối tượng lừa đảo luôn sẵn sàng "khoác áo, gắn sao" bất cứ ngành nghề nào để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chiếc điện thoại cầm tay của người dân cũng đã thành mục tiêu để những kẻ mạo danh cán bộ ngành chức năng gọi đến gán cho đủ các tội danh… Mới đây đối tượng lừa đảo mạo danh thanh tra giao thông để hù dọa một nạn nhân. Điều trớ trêu là nạn nhân đang sinh sống ở Đồng Nai nhưng lại nhận lời hù dọa là mới gây tai nạn tại Hà Nội.
Với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 39 vụ mạo danh hòng chiếm đoạt số tiền khoảng hơn 10 tỷ đồng. Tại Đồng Nai, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 200 vụ lừa đảo trên không gian mạng, mạng viễn thông. Trong đó, có 90 vụ giả danh công an, cán bộ Viện kiểm sát
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, Công an TP Hồ Chí Minh đã xử lý 308 đối tượng, liên quan đến 286 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng và mạng viễn thông. Nhiều người đã cảnh giác với vấn nạn này, nhưng cũng không ít người sập bẫy và đành chịu mất tiền vì không dễ để lấy lại được.
Theo cơ quan chức năng, đấu tranh với tội phạm này không hề đơn giản. Đối tượng có thể ở nhiều nơi, cấu kết với nhiều thành phần. Rất khó để phát hiện, lấy lại tài sản cho người bị hại.
Hiện nhiều ngành nghề như y tế, giáo dục, ngân hàng hay điện lực cũng đang gánh chiụ tình trạng mạo danh để lừa đảo này, theo cơ quan chức năng cũng không loại trừ cả nạn mạo danh các tổ chức từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt. Cơ quan công an nhấn mạnh, việc giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng phải làm việc trực tiếp với công dân. Không có quy định nào yêu cầu công dân nộp tiền qua điện thoại đối với các hành vi vi phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!