"Không có quốc gia nào rút bảo hiểm xã hội một lần dễ như Việt Nam"

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 06/06/2023 12:42 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

VTV.vn - Sáng 6/6, nghị trường Quốc hội trở nên nóng bỏng với câu chuyện về tình trạng rút bảo hiểm một lần ngày một tăng.

Không thể cấm rút bảo hiểm xã hội một lần, sẽ tăng quyền lợi cho người đóng

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung trước Quốc hội sáng 6/6, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) cho biết, làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ giải pháp xử lý vấn đề này.

Về việc này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu thống kê, trước năm 2019, số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500.000 nhưng đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900.000. Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, thì có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.

Về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: "Không có quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng như Việt Nam".

Trưởng ngành lao động – thương binh và xã hội trích dẫn ý kiến một chuyên gia nước ngoài cho biết, Việt Nam "hào phóng" trong việc cho hưởng lương hưu 75% và rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, rút bảo hiểm xã hội là quyền của công dân, không thể cấm. Tuy nhiên cần làm sao để người lao động thấy nhiều quyền lợi, thấy lợi ích hơn khi rút ra và sau đó tham gia trở lại.

"Khoảng 1/3 số người rút bảo hiểm đã tiếp tục tham gia bảo hiểm" – ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng. Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất.

Xem xét trường hợp nào được rút, mức độ rút bảo hiểm xã hội

Tranh luận với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho rằng một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân rút bảo hiểm xã hội một lần là công tác tuyên truyền.

Không có quốc gia nào rút bảo hiểm xã hội một lần dễ như Việt Nam - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Thúy cũng chia sẻ mong muốn của người lao động TP Hồ Chí Minh nói riêng đó là chính sách về bảo hiểm xã hội phải nhất quán và tính ổn định lâu dài. Do đó cần làm rõ việc quyền lợi của người lao động an tâm hơn, suy nghĩ lại khi muốn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ nguyên nhân quan trọng nhất là làm sao cải thiện đời sống người lao động.

Về sửa các quy định về bảo hiểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng cần tính tổng thể các chính sách liên quan đến bảo hiểm, nếu tiếp tục đóng 20 năm thì người lao động không đợi được mà nhất là ở những ngành lĩnh vực ngành thâm dụng lao động như may, dệt....

"Quan điểm của chúng tôi là giảm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm theo thông lệ quốc tế. Nếu đóng ít hưởng ít. Chúng ta có nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng và bình đẳng"- ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng khẳng định, việc dừng rút bảo hiểm 1 lần là vấn đề khó khăn và việc này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Vấn đề trường hợp nào được rút, mức độ rút như thế nào thì trong thời gian tới Quốc hội sẽ xem xét quyết định.

Cũng phát biểu tranh luận về chủ đề này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, con số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua rất đáng quan ngại. Tuy nhiên, việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thường là bất đắc dĩ và là nguyện vọng thực sự của họ nên cần được tôn trọng, nhưng cũng cần phải có giải pháp để đảm bảo Quỹ bảo hiểm này được ổn định.

Không có quốc gia nào rút bảo hiểm xã hội một lần dễ như Việt Nam - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đồng tình với việc giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người gửi và giữ tính ổn định của Quỹ. Để làm được điều này, đại biểu Trí đề xuất nên chăng nên cân nhắc phương án trong 5 năm đầu tiên nếu người đóng rút thì chỉ được tra lại bằng đúng số tiền đã đóng và gia tăng dần quyền lợi cho người đóng trong những năm tiếp theo.

Liên quan đến đối tượng rút bảo hiểm là lao động nữ, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (tỉnh Tiền Giang) đặt câu hỏi, việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội sắp tới sẽ khắc phục như nào những tồn tại vẫn còn về chênh lệch tỉ lệ hưởng lương hưu giữa phụ nữ và nam giới.

Không có quốc gia nào rút bảo hiểm xã hội một lần dễ như Việt Nam - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (tỉnh Tiền Giang)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ sẽ tiếp thu trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, việc lấy ý kiến sửa đổi luật này cũng vừa được tiến hành, thu thập, tổng hợp được trên 380 ý kiến của các tập thể và nhiều ý kiến cá nhân.

Bộ trưởng cũng cho biết, về lĩnh vực này, cần đảm bảo các nguyên tắc đóng - hưởng, bình đẳng và chia sẻ, đồng thời cần có các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước