Có nhiều kênh, mạng xã hội do chính các ông bố bà mẹ lập ra, chia sẻ về cuộc sống của con mình, có người coi đó là cách lưu giữ hình ảnh tuổi thơ của các con, có người thì coi là 1 cách để thu về lợi nhuận, làm thế nào để đời tư cũng như tuổi thơ của các con không bị xâm hại
Sáng tạo nội dung số hiện là một trong những công việc được nhiều người yêu thích và mong muốn theo đuổi, trong đó có cả trẻ em. Một cuộc nghiên cứu với sự tham gia của 3.000 trẻ em ở cả Mỹ và Anh cho thấy, nếu lựa chọn giữa giáo viên, vận động viên chuyên nghiệp, nhạc sĩ, phi hành gia hoặc YouTuber, gần 30% xếp YouTuber là lựa chọn hàng đầu về nghề tương lai.
Thường xuyên được bố mẹ ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống và đăng tải lên mạng xã hội là điều mà nhiều trẻ em hiện nay đã trải qua. Trong đó, một số là để lưu giữ lại kỷ niệm nhưng cũng có một số bậc phụ huynh lại biến những thước phim thành lợi nhuận.
Những đứa trẻ là ngôi sao mạng xã hội
1. Ryan Kaji
Với hơn 34 triệu người theo dõi trên YouTube, Ryan - 10 tuổi là một trong những YouTuber nhí nổi tiếng nhất hiện nay. Cậu có thể kiếm 25 triệu USD mỗi năm qua kênh YouTube chủ đề đồ chơi.
2. Everleigh Soutas
Nếu bạn đang tìm kiếm một YouTuber nhỏ dưới 10 tuổi, hãy nghĩ đến Everleigh. Nhờ bố mẹ nổi tiếng, cô bé đã được đóng vai chính trong các video trên mạng xã hội từ khi sinh ra. Hiện cô bé đã có gần 4 triệu người theo dõi qua kênh Instagram và YouTube của mình.
3. Londyn
Londyn và mẹ cô bé, LaWayne, đã phát triển kênh TikTok 68.000 người theo dõi. Cô bé đang trên đường trở thành người có ảnh hưởng đến trẻ em hàng đầu trên TikTok. Cô bé cũng khá nổi tiếng trên Instagram, với 223.000 người theo dõi.
4. Elle McBroom
Elle có 4,2 triệu người theo dõi trên Instagram và từng lọt top những người có ảnh hưởng đến trẻ em trên Instagram.
5. Taytum and Oakley Fisher
Cặp song sinh này trở nên nổi tiếng sau một video chia tay đầy xúc động quay cảnh 2 cô bé lần đầu tiên bị chia cắt. Mẹ của 2 bé điều hành kênh YouTube và Instagram của họ. Những video của họ thu hút hơn 107.000 người đăng ký YouTube và 3,1 triệu người theo dõi Instagram. Kênh của hai bé được cho là có thể kiếm được 300.000 USD/tháng.
Lợi nhuận từ các em bé nổi tiếng
Tại Việt Nam, các kênh mạng xã hội có tên gọi và hình ảnh của trẻ em cũng xuất hiện rất nhiều và thu hút lượng người dùng đông đảo yêu thích và theo dõi. Có những em bé chưa đến tuổi đi học nhưng đã được bố mẹ xây dựng cho mạng xã hội riêng với hàng triệu lượt theo dõi. Một số người xây dựng hình tượng bà mẹ nổi tiếng trên mạng xã hội, các em bé và các kênh mẹ-bé có thể mang lại thu nhập cho cả gia đình.
"Tìm các bà mẹ và em bé nổi tiếng, nhiều người theo dõi" - Những mẩu đăng tìm như thế này xuất hiện nhiều trong các hội nhóm quảng cáo, hay còn gọi là booking.
Công việc luôn bao gồm chụp ảnh và quay clip các sản phẩm kèm với các em bé. Từ đồ chơi, thời trang cho đến các loại thực phẩm, dụng cụ ăn uống hay các phương pháp học tiếng Anh khi được gắn với hình ảnh của các em nhỏ, đều thu hút những bà mẹ.
Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường FTA, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các dịch vụ kinh doanh sản phẩm của bà mẹ và trẻ em. Doanh số của thị trường tăng trưởng trung bình 2,5 tỷ USD mỗi năm. Vì thế mà những em bé hay bà mẹ nổi tiếng luôn được các nhãn hàng chú trọng như một kênh tiếp thị hiệu quả.
Trong vô số khoảnh khắc của các em bé nổi tiếng được đăng tải lên mạng xã hội, bản thân chính người xem cũng như các doanh nghiệp quản lý cũng nhận thấy còn xuất hiện nhiều vấn đề cần lưu tâm
Hiện nay, những em bé và các kênh mẹ bé có thể kiếm thu nhập theo nhiều cách, từ nhận quảng cáo nhãn hàng hay gắn link sản phẩm trực tiếp trên kênh hoặc nhận tiền từ lượt view.
Mức giá đặt hàng quảng cáo có sử dụng hình ảnh em bé nổi tiếng có thể dao động từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Từ việc em bé ăn gì, chơi gì, mặc gì, hay đọc sách gì đều có thể biến thành giá trị kinh tế.
Lo ngại việc trẻ em bị bóc lột, mất an toàn trên mạng
Hiện nay các thương hiệu kinh doanh các sản phẩm gia đình đặc biệt quan tâm đến các bà mẹ và trẻ em có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để mời tham gia quảng bá thương hiệu. Điều này dẫn đến sự gia tăng của các sao mạng nhí và cả một thế hệ phụ huynh quản lý tài khoản mạng xã hội của con cái họ.
Những người này liên tục chia sẻ hình ảnh và video của con mình lên mạng xã hội. Tuy nhiên, hành động này dẫn đến việc trẻ em bị bóc lột theo hình thức mới, bị xâm phạm quyền riêng tư và mất an toàn trên mạng.
Một bà mẹ đang quản lý 1 kênh TikTok của cô con gái 3 tuổi với hơn 17,3 triệu người theo dõi chia sẻ những video rất riêng tư về con. Người mẹ gặp nhiều chỉ trích, phản đối từ công chúng nhưng vẫn duy trì vì nguồn lợi thu về không nhỏ.
Còn tại Việt Nam, cũng xuất hiện những trường hợp đáng lo ngại, khi đăng tải clip trẻ em ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi, thể hiện những điệu nhảy gợi cảm. Hay những em bé nổi tiếng xuất hiện với tần suất dày đặc từ mạng xã hội đến các sự kiện truyền thông hoặc hiện tượng một số em bé bị khuyết tật, được bố mẹ đăng tải hình ảnh kèm sản phẩm bán hàng, ngày ngày xuất hiện trên livestream để người lớn kêu gọi ủng hộ.
Hiện nay, một số quốc gia đã có những động thái đầu tiên liên quan đến vấn đề còn mới mẻ này.
Tại Mỹ, đạo luật Coogan ban hành vào năm 1939 giúp bảo vệ lao động trẻ em trong ngành giải trí nhưng hiện chưa có luật tương tự nào được ban hành đối với các ngôi sao nhí trên mạng xã hội. Bang Illinois đã sẵn sàng thông qua một dự luật cấp bang, cho phép trẻ em có ảnh hưởng trên mạng xã hội được hưởng một phần thu nhập mà cha mẹ chúng thu được, nhưng luật này chỉ dựa vào ""tinh thần tự nguyện"".
Đến nay, Pháp dường như là quốc gia duy nhất có hành động cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho kidfluencer. Tại Pháp, trẻ em dưới 16 tuổi chỉ có thể làm việc trong thời gian giới hạn, đồng thời thu nhập của các em phải được giữ trong tài khoản cho đến khi chúng đủ 16 tuổi và có quyền tự quyết. Ngoài ra, những em nhỏ có ảnh hưởng cũng có quyền yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ hình ảnh của mình khỏi Internet mà không cần sự đồng ý của cha mẹ.
Khi cha mẹ đăng tải về con cái trên mạng, họ vừa đóng vai trò là 'người gác cổng' - có nhiệm vụ bảo vệ thông tin cá nhân của đứa trẻ, vừa là 'người mở cổng' - được hưởng lợi cả mặt danh tiếng xã hội lẫn tài chính bằng cách tiết lộ thông tin của các em.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần nhớ, về góc độ pháp luật, quyền đối với hình ảnh của trẻ em thuộc quyền bí mật đời sống riêng tư. Theo đó, việc đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em. Do đó, bản thân những người làm cha mẹ cần nhận thức rõ những nguy cơ khi đưa hình ảnh con em mình lên trên các nền tảng mạng xã hội, dù chỉ là một bức ảnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!